Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới. Trước đó, Hội đồng châu Âu cũng đã phê chuẩn EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Theo đó, EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Cổ phiếu "được mùa"
Sau giai đoạn giảm sâu trước lo sợ từ dịch Covid-19, giá nhiều cổ phiếu dệt may đã tăng đáng kể từ đầu tháng 4, thậm chí sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp sụt giảm, đà tăng của giá cổ phiếu vẫn tiếp tục kéo dài cho đến nay.
Điển hình phải kể đến cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đã tăng một mạch từ 7.700 đồng/cp (phiên 1/4) lên 13.700 đồng/cp, tương đương tăng gần 78%. Trong khoảng thời gian này, Đầu tư và Thương mại TNG công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận sau thuế giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, cổ phiếu X20 của CTCP X20 tăng 54%; cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công tăng 41,1%; cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tăng hơn 34,3%; cổ phiếu MSH của May Sông Hồng tăng gần 57%.
Nhóm cổ phiếu dệt may đang có những ngày giao dịch thăng hoa nhờ thông tin tích cực từ EVFTA. (Ảnh: Internet) |
Trong vòng hơn một tháng qua, cổ phiếu MPT của Tập đoàn Trường Tiền đã tăng hơn 62,5%; cổ phiếu FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân cũng tăng nhẹ hơn 8,5% dù thua lỗ 5 quý liên tiếp, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Tuy nhóm cổ phiếu dệt may đã tăng kể từ đầu tháng 4 nhưng thực sự "nổi sóng" phải kể đến những phiên giao dịch gần đây nhờ thông tin công tác chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Theo đó, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành để chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn từ cuối năm 2019, do đó, ngay từ những ngày đầu năm 2020 về cơ bản đã hoàn thành và trình lấy ý kiến Chính phủ.
Về phía doanh nghiệp, Vinatex cho biết sẽ tập trung làm việc với các nhà cung cấp để chuyển nguồn cung ứng nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng EVFTA như Uniqlo, H&M, Zara.... Song song, doanh nghiệp sẽ làm các đơn hàng thử nghiệm nhỏ, yêu cầu cao cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế - dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý II.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, dịch Covid-19 có thể khiến ngành dệt may tăng trưởng âm 5% trong năm 2020 (trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý II).
Do đó, sau dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác những thị trường tiềm năng mới mở như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA và tương lai gần là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để phấn đấu tăng bình quân 6%/năm giai đoạn 2020 - 2025.
Chưa thể tác dụng ngay
Không thể phủ nhận những ưu điểm của EVFTA, nhưng đa phần các sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9%, trong khi mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, vì vậy hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.
Bên cạnh đó, các sản phẩm dệt may chỉ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).
Hơn nữa, EVFTA còn yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc châu Âu hay Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Theo tính toán của các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước, nếu chuyển sang sử dụng nguồn vải của Hàn Quốc sẽ không đạt hiệu quả kinh tế ngay cả khi được hưởng mức thuế suất 0% từ EVFTA.
Do đó, ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI cho rằng, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may Việt Nam. Việc các công ty dệt may nội địa có thể tận dụng Hiệp định sẽ phụ thuộc vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong 2 năm tới của Việt Nam.
Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, TNG hiện có thị phần xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất về doanh thu (53%), tiếp theo là May Sài Gòn (40%). Tuy nhiên, đại diện của May Sài Gòn cho biết công ty phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, có nghĩa là không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi của EVFTA.
Trong ngắn hạn, dự kiến lượng đơn hàng trong tháng 5 của ngành dệt may có thể giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, đơn đặt hàng mới từ tháng 6 trở đi thì chưa được đàm phán và sự phục hồi về số lượng đơn đặt hàng vào cuối năm 2020 dự kiến sẽ rất chậm.
Do đó, theo một chuyên gia phân tích của Chứng khoán VNDirect, kết quả kinh doanh quý II/2020 của các doanh nghiệp dệt may sẽ còn cho thấy những tác động nghiêm trọng hơn bởi nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch.
Linh Đan