Trong những phiên giao dịch đầu tháng 4, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi phục sau hai tuần giảm điểm liên tiếp trước đó với những thông tin tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, chỉ số PMI tiếp tục cải thiện, cũng như việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam.
Ngoài những thông tin tích cực đến từ nền kinh tế, sự nâng đỡ của các cổ phiếu dẫn dắt, đặc biệt là nhóm ngành dầu khí, đã giúp chỉ số lớn nhất thị trường Vn-Index ghi nhận được mức tăng đáng kể.
Cổ phiếu bứt phá
Giá dầu là điểm sáng đáng chú ý khi trong những phiên giao dịch đầu tháng 4, giá dầu WTI đã tăng 5,2% lên 63,26 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.
Việc giá dầu hồi phục mạnh, cùng với kỳ vọng các dự án dầu khí lớn tái khởi động trong năm 2019 đã giúp các cổ phiếu dầu khí bứt phá ấn tượng.
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu GAS (PV Gas), trong 7 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, GAS ghi nhận 5 phiên tăng giá với mức tăng đạt gần 7% từ mức 98.200 đồng/cp lên 105.000 đồng/cp.
Mức tăng này của GAS diễn ra trong bối cảnh PV Gas đặt mục tiêu kinh doanh năm 2019 với sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2019, PV Gas đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 63.908 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.643 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện trong năm 2018, kế hoạch PVGAS đặt ra giảm 15% về doanh thu và giảm 35% về lợi nhuận.
Tương tự GAS, cổ phiếu PLX của Petrolimex cũng ghi nhận 5/7 phiên tăng giá từ đầu tháng 4 tới nay. Tổng mức tăng mà PLX đạt được là 4% từ mức giá 59.400 đồng/ cp lên 61.800 đồng/cp (phiên 9/4).
Các cổ phiếu dầu khí khác như PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí cũng ghi nhận mức tăng hơn 10% từ mức giá 17.900 đồng/ cp lên 19.700 đồng/cp.
Trước khi điều chỉnh 4,3% về mức giá 22.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 9/4, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã tăng một mạch từ mức giá 20.600 đồng/ cp lên 23.500 đồng/cp, tương đương gần 14,1%, tăng gần 40% so với đầu năm 2019.
Cũng góp mặt vào đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, những cái tên như PVB của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng gần 11%, BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng gần 5%, PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí-CTCP tăng 9,8%, đặc biệt là PXS của CTCP Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí tăng gần 32%… chỉ trong 7 phiên giao dịch.
Xét về thanh khoản, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là nhóm có khối lượng giao dịch tăng mạnh, điển hình như PVB ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng tới 280% so với tuần giao dịch cuối tháng 3, lên gần 584.000 đơn vị/phiên.
Theo các chuyên gia, sự phục hồi của giá dầu tạo điều kiện cho việc tái khởi động những mỏ dầu khí mới, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp dầu khí tạo nên động lực cho sự tăng giá của cổ phiếu ngành này thời gian gần đây.
Cổ phiếu dầu khí có thể vẫn là tâm điểm của thị trường |
Tiếp tục là tâm điểm
Cũng theo các chuyên gia, nếu năm 2018, các doanh nghiệp dầu khí được hưởng lợi từ giá dầu tăng mạnh đã ghi nhận được khoản lợi nhuận lớn thì năm 2019 sẽ là thời kỳ của doanh nghiệp thượng nguồn, khối lượng công việc sẽ được gia tăng trước áp lực thiếu hụt năng lượng nói chung và nguồn khí nói riêng từ năm 2022 bắt buộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) triển khai dự án.
Theo CTCK VCBS, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) dự kiến sẽ đảm nhận hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp (loại bỏ mảng thăm dò địa chất – ROV giúp giảm gánh nặng lỗ); đi cùng với khối lượng công việc còn lại từ 2018, kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng trong năm 2019.
PTSC hiện đang nhà thầu chế tạo Topside tại dự án Sao Vàng Đại Việt giai đoạn 1 (2018-2020), tham gia Đấu thầu EPC phần Nhà máy xử lý khí GPP2 tại dự án Nam Côn Sơn 2 – Gia đoạn 2 (2019-2022).
Một trong hai ứng viên thầu dự án Block B – giai đoạn 1 (2019-2021)… đồng thời tham gia thầu phụ tại một số dự án trọng điểm khác bao gồm Cá Voi Xanh (thầu phần chân dế Jacket và Topside 20.000 tấn), Kình Ngư Trắng (2019-2021)…
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) với khối lượng công việc và giá thuê giàn tăng nhẹ trong năm 2019 được kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng còn hiện hữu tại CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam, Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí… với khối lượng công việc còn khá lớn, điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp vào quý IV/2019.
Với những yếu tố hỗ trợ đến từ giá dầu và tiềm năng từ khối lượng công việc nói trên, các chuyên gia chứng khoán đánh giá nhóm cổ phiếu "dòng P" có thể vẫn là điểm sáng của thị trường.
Tuy nhiên, vẫn cần sự đồng thuận của nhiều nhóm ngành hơn nữa mới đủ xác nhận về xu hướng hồi phục thực sự của thị trường.
Linh Đan