Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, cổ phiếu MSN đang có thị giá là 55.000 đồng/cp, so với vùng giá 71.000 đồng/ cp hồi cuối tháng 11, MSN đã ghi nhận mức giảm hơn 22,5%, vốn hóa thị trường “bốc hơi” 18.688 tỷ đồng về mức 64.240 tỷ đồng.
Là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn có sức ảnh hưởng đến thị trường chung, đà giảm của MSN cũng khiến Vn- Index nhiều phiên “lao đao”, không thể bứt phá.
Vốn hóa “bốc hơi”
Nhiều ý kiến nhận định đà giảm của Masan gần đây đến từ thông tin VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ.
Tuy nhiên, theo dõi diễn biến của MSN có thể thấy cổ phiếu này đã có dấu hiệu giảm giá kể từ tháng 7/2019 tới nay. Tại thời điểm đó, cổ phiếu MSN giao dịch tại mức giá 85.000 đồng/cp, so với mức giá hiện nay, MSN đã giảm 30.000 đồng/cp, tương ứng gần 35,3%.
Nhưng thực tế, cổ phiếu MSN chỉ diễn biến tiêu cực hơn sau khi thương vụ M&A đình đám giữa Tập đoàn Masan và Tập đoàn Vingroup được công bố hồi đầu tháng 12.
Trước đà giảm của cổ phiếu MSN, theo cập nhật của Forbes tại ngày 11/12, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan đã không còn là tỷ phú USD khi tổng tài sản chỉ còn 974,5 triệu USD. Số liệu này được cập nhật trực tiếp dựa trên sự thay đổi của giá cổ phiếu MSN trên sàn chứng khoán, chiếm phần lớn tài sản của doanh nhân này.
Hiện, bản thân ông Quang chỉ đang nắm giữ 15 triệu cổ phiếu MSN nhưng lại gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu này thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 22% cổ phần công ty. Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phiếu MSN.
Biến động kém tích cực của MSN cũng khiến giá trị khoản đầu tư của các cổ đông sụt giảm đáng kể, có thể kể đến trường hợp của cổ đông chiến lược SK Group. Hồi tháng 10/2018, SK Group đã chi 470 triệu USD để mua vào 110 triệu cổ phiếu, tương ứng mức giá 100.000 đồng/cp.
Theo đó, sau hơn 1 năm đầu tư, tính đến ngày 20/12, giá trị khoản đầu tư của SK Group tạm thời mất đi khoảng 45% giá trị, chỉ còn khoảng 262 triệu USD. Cùng với SK, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore – GIC cũng mất khoảng 35% giá trị khoản đầu tư sau 1 năm.
Thực tế, mức giảm của MSN trong thời gian qua do tác động chủ yếu từ đà bán ròng của khối ngoại. Có thể khối ngoại nhìn nhận thông tin hợp tác giữa Vingroup và Masan không mấy tích cực và đó có thể xem như là tin xấu.
Còn đối với những nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ, khi không nhận định được thông tin đó là có lợi hay hại thì nhanh tay bán ra để có thể giảm thiểu rủi ro.
Theo một chuyên gia chứng khoán, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu MSN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do các NĐT lo ngại việc tập đoàn sẽ phải làm thế nào để tạo ra dòng tiền tương lai bù đắp cho phần chi phí phải trả để nắm quyền kiểm soát hệ thống VinCommere và VinEco (ước tính khoảng 3 tỷ USD).
Khối ngoại tập trung bán ròng cổ phiếu MSN trong gần 3 tuần giao dịch vừa qua |
Bao giờ hồi phục?
Một nguyên nhân khác nữa khiến các NĐT nước ngoài có phản ứng mạnh với giá cổ phiếu Masan vì cho rằng mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup lỗ 5.000 tỷ đồng/năm nên khi hợp nhất Masan sẽ phải gánh khoản lỗ này.
Đặc biệt là trong bối cảnh năm tài chính chuẩn bị kết thúc khiến cho danh mục đầu tư của các quỹ ngoại có thể không được “đẹp”. Ngoài ra, các NĐT cũng có thể đang lo ngại việc công ty TNHH Masan Consumer Holdings (công ty con của Masan – đơn vị nhận sáp nhập) sẽ phát hành cổ phiếu mới hoán đổi cổ phần 2 công ty của Vingroup, đồng thời tối thiểu giữ tỷ lệ sở hữu 51% tại công ty mới.
Theo đó, Masan Consumer Holdings sẽ phải phát hành thêm khoảng 610 triệu cổ phiếu mới (giá trị khoảng 6.100 tỷ đồng, theo mệnh giá) tương đương gần 49% cổ phần công ty mới để hoán đổi cổ phần của 2 công ty con của Vingroup.
Tỷ lệ sở hữu trong công ty mới là Masan giữ 51%, Vingroup giữ gần 49%, các cổ đông nhỏ vẫn nắm giữ khoảng 40 triệu cổ phiếu MCH (5,5% vốn Masan Consumer Holdings trước sáp nhập).
Hầu hết các NĐT đều nhìn thấy trong thương vụ này, lợi ích đang nghiêng về phía Vingroup bởi công ty đang góp vốn bằng tài sản, các cổ đông đang tỏ ra lo ngại khả năng pha loãng giá cổ phiếu sau khi phát hành thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong dài hạn, khi nắm trong tay nhiều lợi thế như trên, thì Masan sẽ ngày càng phát triển mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu MSN sẽ sớm phục hồi trở lại, nhiều khả năng sẽ quay trở lại vùng đỉnh cũ 90.000 đồng/cp trong trung và dài hạn.
Lý do là bởi công ty mới sẽ được sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Masan lại đang có tham vọng đưa chuỗi thịt sạch Meat Deli lên sàn, nên việc sáp nhập thêm VinEco và Vincomerce thực sự là một cú hích để tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu của Meat Deli.
Linh Đan