Theo đánh giá của các chuyên gia, sự chuyển hướng này có thể tạo nên sự bứt phá về giá cổ phiếu bởi các doanh nghiệp sẽ được ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến từ thanh lý vườn cây, đền bù bàn giao đất và có thể trực tiếp tham gia dự án để hưởng lợi lâu dài.
Thực tế, hiện nay tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất xây dựng đô thị và khu công nghiệp tăng nhanh, trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp nên đất cao su đã trở thành một trong những nguồn cung cấp khả thi, bởi chỉ cần thanh lý cây là có ngay mặt bằng.
Lợi thế từ quỹ đất
Trong năm 2018, giá cao su liên tiếp dò đáy, "làm khổ" nhiều doanh nghiệp cao su thiên nhiên và theo dự báo, giá cao su thiên nhiên trong năm 2019 dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp sau khi giảm 20% trong năm 2018. Thị trường cao su thiên nhiên biến động theo xu thế chung của hàng hóa, cổ phiếu.
Dù vậy, vẫn nhiều doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu kinh doanh với mức tăng trưởng mạnh, điển hình như CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR).
Theo biên bản và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Cao su Phước Hòa, trong năm nay, công ty đặt tổng doanh thu tăng nhẹ 2.192 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 997 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2018; tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 40%.
Một phần cơ sở cho kế hoạch kinh doanh đầy tự tin của Cao su Phước Hòa là doanh nghiệp đang sở hữu vùng đất trồng cao su rất lớn ở gần trung tâm công nghiệp tỉnh Bình Dương.
Năm 2018, hoạt động cho thuê đất và sử dụng hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 21% lợi nhuận gộp của Cao su Phước Hòa. Lãi từ công ty liên doanh, liên kết trong lĩnh vực khu công nghiệp là Nam Tân Uyên (mã: NTC) đạt 68,8 tỷ đồng, tương ứng 10% lợi nhuận trước thuế. Phần cổ tức được chia từ NTC đem về 84 tỷ đồng doanh thu tài chính.
Tới đây, Cao su Phước Hòa sẽ tiến hành bàn giao cho KCN Nam Tân Uyên 325ha đất và KCN VISIP 691ha đất.
Tính đến nay, PHR đã đàm phán xong việc bàn giao đất cho VSIP. Dự kiến, PHR nhận 1,3 tỷ/ha trên diện tích đất bàn giao và 20% lợi nhuận của dự án, đồng thời PHR sẽ góp vốn thêm ít nhất 20%. Công ty sẽ cân đối diện tích bàn giao cụ thể đất cho VSIP và Nam Tân Uyên nhằm đảm bảo lợi nhuận sau thuế từ 2019 đến 2021 không dưới 1.000 tỷ đồng.
Ngay cả với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), quỹ đất "khủng" tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh – khu vực thuộc nhóm năng động trong thu hút đầu tư nước ngoài – cũng được đánh giá là điểm hấp dẫn của Tập đoàn trước thời điểm cổ phần hóa.
Ngoài Cao su Phước Hòa, nhiều doanh nghiệp cũng đang quản lý hàng nghìn ha rừng cao su như CTCP Cao su Đồng Phú (mã: DPR) với 9.340 ha, CTCP Cao su Hòa Bình (mã: HRC) sở hữu 5.061 ha, CTCP Cao su Tây Ninh (mã: TRC) với 7.172 ha, CTCP Cao Su Tân Biên (mã: RTB)…
Bên cạnh việc giao đất cho KCN Nam Tân Uyên và VISIP thì KCN Tân Bình của Cao su Phước Hòa cũng trong xu hướng phát triển KCN của Bình Dương đang mang lại hiệu quả cao cho công ty, giai đoạn mở rộng đang thực hiện các thủ tục.
Ngoài ra, dự án đầu tư KCN 560ha tại NTCS Hội Nghĩa, khu dân cư tại KCN Tân Bình, khu nhà ở cho công nhân… cũng được công ty lên kế hoạch triển khai.
Cổ phiếu PHR tăng mạnh trong 3 tháng gần đây |
Chờ bứt phá
Từ những tín hiệu nói trên, cổ phiếu PHR đã tăng mạnh trong thời gian qua hiện đang giao dịch tại mức giá 52.500 đồng/cp, tăng gần 57% so với đầu năm. Đây cũng là mức đỉnh mọi thời đại của cổ phiếu PHR.
Tính từ đầu năm 2019 tới nay, cổ phiếu HRC của Cao su Hòa Bình cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý từ mức giá 30.500 đồng/ cp lên mức đỉnh 46.050 đồng/cp (phiên 26/3), tương đương mức tăng đạt 51%. Hiện, trước áp lực chốt lời, cổ phiếu HRC đã quay đầu điều chỉnh về mức giá 38.600 đồng/cp.
Mức tăng của thị giá cổ phiếu hoàn toàn trái ngược lại với kết quả kinh doanh của công ty trong suốt nhiều năm trở lại đây. Lợi nhuận trước thuế từ 142 tỷ đồng năm 2011 liên tục giảm và đến năm 2018 chỉ đạt 8,9 tỷ đồng, hiệu suất sinh lời giảm còn vỏn vẹn 1%.
Đòn bẩy của HRC chính là chủ trương hợp tác của Cao su Hòa Bình với Becamex IDC về việc đầu tư dự án khu công nghiệp, dịch vụ, tái định cư có diện tích 2.000 ha tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trên đất mà công ty đang quản lý, trong thời gian dự kiến 50 năm đã được HĐQT thông qua.
Trước khi điều chỉnh về mức giá 38.400 đồng/ cp như hiện nay, cổ phiếu DPR đã kịp thời đạt được mức đỉnh 42.400 đồng/cp hồi giữa tháng 3, tương đương mức tăng 33,3%. Bên cạnh đó, Cao su Đồng Phú cũng thường xuyên chia cổ tức tiền mặt cao các năm gần đây với tỷ lệ tối thiểu là 40%.
Cao su Đồng Phú cũng là một doanh nghiệp gặt hái được nhiều hiệu quả cao trong lĩnh vực khu công nghiệp. Trước mắt với phương án mở rộng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú với tổng diện tích 610ha; đồng thời thống nhất chủ trương xây dựng kho bãi tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trong năm 2019 sẽ là điểm cộng cho doanh nghiệp này.
Do đó, đây sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp niêm yết hiện đang nắm quỹ đất rộng lớn bởi theo đánh giá của các chuyên gia, khu công nghiệp là ngành kinh doanh hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận trên 30% vốn điều lệ trong điều kiện hoạt động bình thường, sử dụng nguồn vốn tự có ít so với tổng mức đầu tư.
Linh Đan