Sau thời gian “im ắng”, nhóm cổ phiếu vận tải biển đang có dấu hiệu tạo “sóng” trở lại. Chẳng hạn, cổ phiếu HAH (Vận tải Xếp dỡ Hải An) đã có đà bật tăng mạnh trong tuần qua với 5 phiên liên tục tăng (từ 6/8 - 12/8); cổ phiếu CLL (Cảng Cát Lái) đang trên vùng đỉnh lịch sử; GMD (Gemadept), SCS (Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn), PHP (Cảng Hải Phòng)… cũng chứng kiến đà tăng khá tích cực.
Giá cước tàu đang tăng nhanh
Trước đó, sau giai đoạn “nổi sóng” nhờ giá cước vận tải lập đỉnh, hàng loạt mã cổ phiếu nhóm này "tụt áp" bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc: HAH giảm gần 14% rơi về vùng hỗ trợ xu hướng, VSC giảm 15,54%; GMD giảm 4%... chỉ trong vòng một tháng.
Nhóm cổ phiếu vận tải biển đang có dấu hiệu tạo “sóng” trở lại. |
Trở lại hiện tại, đà tăng của nhóm cổ phiếu cảng biển diễn ra trong bối cảnh giá cước vận tải biển đang có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa dịp cuối năm tăng cao và ảnh hưởng của biến động địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới.
Cụ thể, giá cước tàu trên các tuyến trọng điểm đang tăng nhanh, có thời điểm giá mỗi container đi châu Âu khoảng 4.000 - 5.000 USD, cao hơn gấp đôi cuối năm ngoái. Cước tàu hàng đi Mỹ tăng từ mức 6.000 USD/container lên 7.000 USD/container. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á cũng tăng từ 1.000 - 2.000 USD/container.
SSI Research nhận định, thị trường giao ngay (đại diện là WCI) có giá cước vận tải container đang chững lại khi căng thẳng hạ nhiệt, trong khi thị trường thuê tàu định hạn phản ứng chậm hơn và vẫn duy trì đà tăng. Giá cho thuê tàu 1.700 TEU hiện đang tiến gần đến mức 26.000 USD/ngày, tăng 50% kể từ đầu tháng 6/2024.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay là động lực lớn cho nhóm vận tải biển. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5%.
Ngược thời gian, trong năm 2023, thị trường vận tải biển toàn cầu trầm lắng do nội lực của thương mại thế giới còn khá yếu, dẫn đến giá cước vận chuyển container đường biển có chiều hướng đi xuống trong phần lớn thời gian của năm.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng kể từ đầu năm 2024, chỉ số giá cước container toàn cầu đảo chiều mạnh mẽ từ mức 1.661 USD/FEU trong tháng 12/2023 lên 3.964 USD/FEU trong tháng 1/2024.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến đánh giá cổ phiếu vận tải biển sẽ làm nên chuyện khi năm 2024 được đánh giá là năm thuận buồm xuôi gió của doanh nghiệp ngành vận tải biển với sự tăng trưởng tích cực nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và số lượng đơn hàng.
Và thực tế, nhóm cổ phiếu cảng biển đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho danh mục của mình. Với việc giá cổ phiếu ngành này trên sàn chứng khoán diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản từ đầu năm đến nay đã phần nào phản ánh điều đó.
Dư địa tăng trưởng vẫn rộng mở
Theo Công ty Tư vấn hàng hải Drewry, giá cước vận tải giao ngay trung bình trên thế giới từ đầu năm 2024 đến nay đã tăng 80% và tăng gấp 3 lần so với mức đáy năm 2022.
Xu hướng này được dự báo sẽ còn duy trì ít nhất đến quý IV/2024, chủ yếu đến từ 2 động lực chính: Thứ nhất, sự gia tăng hàng tồn kho tại Mỹ và châu Âu từ đầu năm 2024, đặc biệt là việc Mỹ áp thêm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của Trung Quốc từ tháng 8 khiến nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ tăng đột biến; thứ hai, khủng hoảng tại Biển Đỏ kéo dài khiến hải trình của các tuyến tàu dài thêm đáng kể. Nhu cầu vận tải tăng đột biến cùng với thời gian vận tải tăng lên kéo theo lo ngại về nguy cơ thiếu hụt container rỗng, tiếp tục đẩy giá cước vận tải lên cao.
Giá cước vận tải tăng, giá cho thuê tàu cũng phục hồi giúp doanh nghiệp ngành vận tải có lợi nhuận tốt hơn trong năm 2024. Ngoài ra, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đã nâng toàn bộ mức phí sàn dịch vụ của cảng biển trung bình lên khoảng 10%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp vận hành cảng biển.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, có 3 yếu tố đem lại lợi thế cho nhóm cổ phiếu vận tải biển.
Thứ nhất là cầu tăng khi xuất nhập khẩu phục hồi tăng mạnh.
Thứ hai, giá cước vận tải biển có xu hướng tăng trong nửa cuối năm, đi cùng với nhu cầu sản lượng đơn hàng lớn phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm. Trong khi đó, giá đầu vào của nhóm vận tải biển là giá dầu dù tăng - giảm luân phiên từ đầu năm đến nay nhưng so với năm ngoái vẫn đi ngang, giúp biên lợi nhuận gộp của ngành vận tải biển cải thiện.
Thứ ba, yếu tố chi phí, chi phí lãi vay của nhóm này giảm do lãi suất giảm giúp cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển cải thiện tích cực hơn.
“Vận tải biển được hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế, có triển vọng đầu tư tích cực”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán TPS cũng đánh giá giá cước vận tải sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao trong nửa cuối năm 2024, nhưng vẫn nhận thấy các yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11). Đồng thời, hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ châu Á - EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.
Dù vậy, các chuyên gia TPS lưu ý về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.
Hải Giang