Nhiều mã cổ phiếu bảo hiểm đã bắt đầu "nổi sóng" từ cuối tháng 1 trong bối cảnh VN-Index liên tục gặp nhiều lực cản tại vùng đỉnh. Điển hình như MIG (tăng 30%), BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (+25%), BIC của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (+21%), VNR của Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (+19%), PRE của Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm PVI (+18%), BVH của Tập đoàn Bảo Việt (+15%), PVI của Công ty cổ phần PVI (+14%)...
Động lực mạnh cho đà tăng giá
Đáng chú ý, trong phiên ngày 23/3, thị trường chứng khoán bất ngờ “quay xe” trong những phút cuối cùng do áp lực bán chốt lời. VN-Index từ mức tăng hơn 10 điểm đã đóng cửa dưới tham chiếu, lùi về sát mốc 1.500 điểm. Giữa lúc thị trường đầu biến động, sắc đỏ bao trùm nhiều nhóm ngành, cổ phiếu bảo hiểm vẫn ngược dòng, vượt qua rung lắc với sắc xanh phủ rộng ở tất cả mã cổ phiếu, ngoại trừ cổ phiếu PTI (Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện) giảm giá.
Chốt phiên ngày 24/3, VN-Index giảm về mốc 1.498 điểm (-4,08 điểm), song cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm vẫn giữ được sắc xanh trên diện rộng. Tiêu biểu như BIC, VNR, PVI, PTI, ABI…
Cổ phiếu bảo hiểm vẫn còn là một ẩn số khi dự báo có không ít tác động trái chiều đến lợi nhuận năm 2022. (Ảnh minh hoạ) |
Theo một số chuyên gia, cổ phiếu bảo hiểm có được sức hấp dẫn khi các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm đến những nhóm ngành có sức chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Tại Việt Nam, 2 năm qua (2020 và 2021), mặt bằng lãi suất đã duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, mặt bằng lãi suất thời gian tới được dự báo khó có thể nằm ngoài xu hướng tăng.
Trong khi đó, nguồn thu nhập của công ty bảo hiểm chủ yếu đến từ việc đầu tư trái phiếu và lãi suất gửi ngân hàng. Vì vậy, khi lãi suất tăng, 2 kênh đầu tư này sẽ hưởng lợi đáng kể.
Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực từ động thái thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại một số doanh nghiệp bảo hiểm như Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.
“Quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu thường được trả theo mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường”, Chứng khoán BVSC nhận định.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Theo thống kê, trong năm 2021, thị giá cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm tăng 10,5%, thấp hơn so với VN-Index là 23%. Ngoại trừ BVH giảm 14%, diễn biến giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm niêm yết còn lại là rất thuận lợi nhờ một số thông tin liên quan đến thoái vốn nhà nước. Các mã cổ phiếu tăng mạnh bao gồm: PTI (+168%), VNR (+94%) và BMI (+85%).
Về kết quả kinh doanh, mặc dù tổng thể "bức tranh" kinh doanh quý IV nhìn chung kém sắc nhưng lũy kế cả năm 2021, tất cả các công ty bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán đều ghi nhận doanh thu bảo hiểm tăng trưởng dương. Về lợi nhuận sau thuế, ngoại trừ Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm PVI và Công ty cổ phần Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) là 2 công ty có mức lợi nhuận cả năm sụt giảm nhẹ, các công ty còn lại đều đạt tăng trưởng dương.
Theo dự báo của SSI Research, năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm từ mức nền cao trong năm 2021, do các công ty bảo hiểm khó có thể hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp bởi người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021.
Ngược lại, hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm lại đón nhận những tín hiệu khả quan. BVSC cho rằng, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.
Theo SSI Research, với kịch bản cơ sở việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mảng phi nhân thọ đạt mức tăng 8%-10% (vẫn thấp hơn mức trước khi có dịch Covid-19). Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18-20% so với năm trước.
Ngoài ra, việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm tạo tâm lý tích cực cho cổ phiếu bảo hiểm. Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành bảo hiểm là 100%.
Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm Bưu điện, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PGI)). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên 100%, như Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện, PVI, Tổng công ty cổ phần tái bảo hiểm PVI; và lên 49% (Tập đoàn Bảo Việt).
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm là công nghệ. Dễ dàng nhận thấy, làn sóng chuyển đổi số đã gia nhập nhiều ngành nghề trong nền kinh tế và không loại trừ ngành bảo hiểm.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành bảo hiểm có thể làm giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng doanh thu nhờ một số sản phẩm mới được phát triển bằng cách ứng dụng công nghệ như giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, ứng dụng giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến…
“Nếu chậm tiến trong áp dụng công nghệ vào bảo hiểm có thể khiến một số công ty mất thị phần”, SSI Research nhận xét.
Hải Giang