Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, với những mức cam kết cao nhất về thuế từ EU - một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thế nhưng, sau những hân hoan thì giờ đây, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là làm sao tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định.
Bởi thực tế, việc cắt giảm thuế nhập khẩu vào EU có thể khiến hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam sẽ rẻ đi tương đối, nhưng có bán được hay không lại là chuyện khác.
Không phải “cây đũa thần”
Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may sẽ được giảm ngay thuế nhập khẩu vào EU về 0% với khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ chính sách này, các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện được quy tắc xuất xứ tương đối chặt với yêu cầu “từ vải trở đi”.
Đây là thách thức không nhỏ, bởi doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.
Với EVFTA, giá cổ phiếu chỉ được hưởng lợi về mặt tâm lý trong ngắn hạn (Ảnh: Internet) |
Không chỉ đối với ngành dệt may, Bộ Công Thương mới đây cho biết việc thực thi các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng đồng nghĩa với việc phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác thuộc EVFTA. Các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm và chiếm lĩnh bởi các "đại gia" nước ngoài.
Thực tế, thị trường phân phối Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50). Dự báo, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60%, Singapore 90%...).
Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ số ít là đủ năng lực cạnh tranh, như: Vincommerce, Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh...
Ở chiều ngược lại, EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm 2015 - 2019, chiếm 15 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Dự kiến, xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030. Song, việc vừa đáp ứng quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa lo thoát “thẻ vàng” IUU để tận dụng ưu đãi của EVFTA đang làm khó các doanh nghiệp thủy sản.
Cơ hội xuất khẩu lớn sẽ kéo theo nhu cầu kho bãi tăng cao, nhưng các chuyên gia lại cho rằng khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics nội là không lớn. Nguyên nhân là bởi, thị trường này có nhiều đối thủ mạnh, trong khi khách hàng lại đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao.
Chỉ tác động ngắn hạn
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành dệt may luôn được xem là có nhiều thông tin hỗ trợ nhất, như kỳ vọng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Hiện, hầu hết các cổ phiếu ngành dệt may cũng đã tăng trưởng trở lại cùng xu hướng chung của thị trường. Có thể kể đến như mã TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 75,4%; TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tăng hơn 71,4%; STK của Sợi Thế Kỷ tăng gần 20%...
Nếu chỉ nhìn vào sự tăng giá của cổ phiếu thì nhiều người sẽ cho rằng các yếu tố xấu nhất đã được bộc lộ. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 và EU cũng là thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch nặng nề nhất.
Do đó, khả năng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng mới là vấn đề. Việc kỳ vọng quá mức vào EVFTA dường như là câu chuyện “nước xa không cứu được lửa gần”, đặc biệt là trong bối cảnh hiệp định này không hẳn là “cây đũa thần” của ngành dệt may.
Tương tự đối với nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, sau thời gian bứt phá bởi những kỳ vọng, hiện nay đã có dấu hiệu trầm lắng. Thậm chí, HVG của Thủy sản Hùng Vương còn bị ngừng giao dịch bởi những tồn tại về mặt tài chính của doanh nghiệp.
Và cũng giống dệt may, thủy sản là nhóm doanh nghiệp “sống bằng xuất khẩu”, trong khi thị trường EU, Mỹ lại đang lao đao vì dịch Covid-19. Hơn nữa, những tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm mặn, ô nhiễm môi trường biển… khiến việc thu hoạch không được như mong muốn, sản lượng không đủ đáp ứng công suất chế biến.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu logistics có diễn biến khá trồi sụt trên thị trường chứng khoán khi những đợt tăng giá chỉ diễn ra rất ngắn hạn, sau đó lại là những phiên đỏ sàn dài ngày.
Theo đó, trước những cơ hội và thách thức của EVFTA mang lại, nếu bản thân doanh nghiệp không tự cải thiện thì không cách nào được hưởng lợi một cách triệt để. Từ đó, giá trị cổ phiếu cũng không thể tăng trưởng như kỳ vọng.
Có thể nói, EVFTA mang đến hy vọng mới cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh, nhưng lợi ích cũng luôn đi kèm với rủi ro. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, với EVFTA, giá cổ phiếu chỉ được hưởng lợi về mặt tâm lý trong ngắn hạn, bởi Hiệp định chưa thể tác động tích cực ngay đến doanh nghiệp.
Linh Đan