Trong những phiên giao dịch gần đây, “cặp đôi hoàn cảnh” HAG của Hoàng Anh Gia Lai và HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) gây chú ý thị trường với những thông tin về việc ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL tiếp tục ký kết thêm phần phụ lục hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp nối và chi tiết hoá hợp đồng thoả thuận đợt tháng 8/2018.
Phận “chìm nổi”
Ngay sau khi thông tin trên được công bố trong ngày 25/3, cặp đôi cổ phiếu HAG và HNG đã ngay lập tức tăng kịch trần với lực cầu khá mạnh. Trong đó, HAG tăng 6,9% lên 5.610 đồng/ cp, lượng giao dịch đạt 3,5 triệu cổ phiếu; HNG cũng không kém cạnh khi tăng 7% lên 16.050 đồng/cp, lượng “sang tay” hơn 5,6 triệu đơn vị bất chấp đà giảm sâu của thị trường trong ngày.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ sau một ngày, trong khi HAG vẫn giữ được đà tích cực khi tiếp tục tăng thêm gần 5% lên 5.870 đồng/cp, thì HNG lại quay đầu giảm về 15.950 đồng/cp.
Trước đó, thông tin liên quan đến việc Thaco rót vốn vào HAGL Agrico đã giúp HNG bứt tốc từ mức giá hơn 7.000 đồng/ cp lên 18.000 đồng/cp (phiên 4/9/2018). Tuy nhiên, cần nhắc lại về việc HNG chào sàn HoSE năm 2015 với giá tham chiếu 35.000 đồng/cp.
Theo chia sẻ của giới đầu tư, những đợt sóng tăng giá của bộ đôi HAG và HNG đều xuất phát từ những thông tin hỗ trợ, do đó cũng nhanh chóng “nguội lạnh”.
Một “cổ phiếu Gia Lai” khác cũng khá nổi tiếng là QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai vừa trải qua 7 phiên giảm gần như liên tiếp từ mức giá 6.090 đồng/cp xuống còn 5.210 đồng/cp, tương đương 14,4%.
Chắc hẳn giới đầu tư chứng khoán đều còn nhớ một giai đoạn “thần tốc” của QCG hồi giữa năm 2017 khi tăng mạnh từ mức giá hơn 6.000 đồng/ cp lên chạm mốc 31.000 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 5 lần.
Đợt sóng tăng này xuất phát từ tin đồn doanh nghiệp (DN) đạt được thỏa thuận chuyển nhượng 100% dự án khu dân cư Phước Kiển cho Sunny Island.
Tuy nhiên, “lùm xùm” từ dự án Phước Kiển cùng những giao dịch mập mờ rồi nhận quyết định nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường khiến niềm tin của các cổ đông sụt giảm nghiêm trọng. QCG đã bị bán mạnh, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc 4.000 đồng/cp hồi tháng 1/2019.
“Vận đen” vẫn chưa chịu buông tha QCG khi cổ phiếu này đã chính thức bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/2 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Thê thảm hơn QCG là cổ phiếu DLG của CTCP Tập đoàn DLG (Đức Long Gia Lai) hiện đang giao dịch tại vùng giá dưới 2.000 đồng/cp. Trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 3 vừa qua, cổ phiếu DLG đã tăng mạnh từ 1.290 đồng/cp lên 1.800 đồng/ cp (phiên 18/3) tương đương gần 40%.
Tuy nhiên, ngay lập tức sau đó là 5 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm sàn đã lấy đi của DLG 15,5% về mức giá 1.520 đồng/cp (phiên 25/3). Mức giá này khiến nhiều người không khỏi giật mình khi DLG chào sàn HoSE (năm 2010) với giá tham chiếu 25.000 đồng/cp.
Thông thường, mọi vấn đề về “sức khỏe” của DN đều được phản ánh vào thị giá cổ phiếu. Do đó, không khó để đoán được tính ổn định của nhóm “cổ phiếu Gia Lai” và đi đến quyết định đầu tư.
Nhóm “cổ phiếu Gia Lai” không được giới đầu tư mặn mà |
Kinh doanh bất định
Mới đây, công ty con về nông nghiệp của Thaco đã ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với HAGL Agrico về phân phối trái cây xuất khẩu cho thị trường cao cấp, bao tiêu trái cây để chế biến, cung cấp dịch vụ kho lạnh, logistics và xuất nhập khẩu.
Năm 2019, HAGL Agrico dự kiến xuất khẩu 300.000 tấn trái cây và sẽ tăng lên thành 1 triệu tấn vào năm 2021.
Tương lai là vậy nhưng trên thực tế, bộ đôi HAGL vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể từ sau khi đón nhận “luồng gió mới” từ Thaco, khi nợ vay vẫn chiếm quá nửa tổng tài sản. Đáng chú ý, mảng nông nghiệp chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến gánh nặng nợ vay của HAGL.
Về Quốc Cường Gia Lai, kết thúc năm 2018, công ty ghi nhận 732 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 106,4 tỷ đồng, giảm 79% và chỉ hoàn thành được 33% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế cũng giảm 76%, đạt 95 tỷ đồng.
Nguyên nhân được công ty lý giải là do năm 2017, công ty có một số giao dịch chuyển nhượng lại vốn tại các dự án bất động sản và thu về khoản lợi nhuận lớn, trong khi năm 2018 không có những khoản thu nhập như vậy.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2018, nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai vẫn còn đến 6.900 tỷ đồng và 70% số này là các khoản phải trả ngắn hạn. Ngoài các khoản vay tài chính từ ngân hàng, công ty còn có nhiều khoản nợ vay từ các cá nhân và tổ chức liên quan, tổng cộng 580 tỷ đồng.
Nợ cũng là vấn đề của Đức Long Gia Lai khi trong cơ cấu nguồn vốn của công ty tính tới ngày 31/12/2018, nợ phải trả chiếm gần 60% đạt 5.196 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đạt 3.713 tỷ đồng.
Mặt khác, trước tình trạng lao dốc của cổ phiếu, cuối tháng 12/2018, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Kiên đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu như một biện pháp cứu giá. Thế nhưng hết thời gian đăng ký, ông Kiên chỉ mua vào 340.000 cổ phiếu, với lý do không thu xếp được tài chính.
Là lãnh đạo tập đoàn lớn nhưng lại không thể thu xếp được tài chính cho kế hoạch đã được dự trù từ lâu khiến niềm tin của cổ đông vào DN gần như đang tiến tới con số 0.
Linh Đan