Kết thúc niên độ tài chính 2017- 2018 (thường bắt đầu từ 1/7/2017 – 30/6/2018), nhìn chung tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành mía đường vẫn chưa ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý, nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng tồn kho tại các nhà máy đường đến tháng 9/2018 là hơn 600.000 tấn. Đây được xem là năm có lượng đường tồn kho cao trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Cổ phiếu vẫn “đắng”
Không có kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu nhóm ngành doanh nghiệp mía đường gần như “dậm chân tại chỗ”, có tăng thì cũng không đáng kể.
Kết thúc niên độ tài chính năm 2017-2018, CTCP Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) ghi nhận doanh thu 1.452 tỷ đồng, giảm đến 39% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3,8 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 137,7 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.
Với những con số này, công ty mới chỉ hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 3,2% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh không mấy “sáng sủa” đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu LSS khi tính từ cuối tháng 6/2018, cổ phiếu này giao dịch trồi sụt quanh mốc giá 7.000 đồng/cp, thậm chí trong cả tháng 8/2018, LSS giao dịch dưới mức giá 7.000 đồng/cp, chạm đáy 3 năm.
Bước sang những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, diễn biến giao dịch của LSS có phần tươi sáng hơn khi tăng từ mức 6.940 đồng/ cp lên 8.200 đồng/cp (phiên 9/10), tương đương mức tăng đạt 18,1%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu LSS giảm sàn quay đầu về mức 7.620 đồng/cp, thanh khoản trung bình của LSS trong nhiều tháng qua duy trì tại mức 200.000 đơn vị.
Cũng cho thấy một năm “kinh tế buồn”, CTCP Mía đường Sơn La (mã: SLS) ghi nhận doanh thu đạt 600 tỷ đồng, tăng 12% so với niên độ trước, tuy nhiên, lợi nhuận công ty lại sụt giảm mạnh, chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước do giá đường thế giới giảm sâu.
Sau quãng thời gian liên tục phá đáy xuống vùng giá 64.000 đồng/cp hồi tháng 7, tương đương mất 60% từ vùng đỉnh, SLS đã có những bước phục hồi nhẹ lên 70.000 đồng/cp, nhưng ngay lập tức lại quay đầu giảm giá về 66.900 đồng/cp (phiên 11/10).
Nếu tính tại mức giá này, so với mức đáy 64.000 đồng/cp, SLS mới chỉ hồi phục được 2.000 đồng/cp, tương đương 4,5%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu SBT của “ông trùm” ngành mía đường CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (mã: SBT) giảm 4,4% xuống 20.000 đồng/ cp, sau khi tăng mạnh lên 21.500 đồng/cp hồi cuối tháng 9.
Nếu tính từ khi kết thúc niên độ tài chính là từ cuối 6/2018 tới nay, cổ phiếu SBT đạt mức tăng tốt nhất trong các cổ phiếu ngành mía đường từ mức giá 15.500 đồng/cp, tương đương 29%.
Tuy nhiên, nếu so sánh từ đầu năm 2018 thì SBT hoàn toàn “dậm chân tại chỗ”, tăng trưởng không đáng kể từ mức giá 20.400 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu SLS trong 6 tháng |
Nhạt nhòa tăng trưởng
Kết quả kinh doanh của Thành Thành Công Biên Hòa cũng thể hiện tố chất của một “ông trùm” với doanh thu hợp nhất cho niên độ tài chính 2017-2018 là 10.364 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với niên độ trước.
Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 61% lên 546,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này có được do sự hợp nhất với Mía đường Biên Hòa (BHS).
Trong niên độ tài chính trước khi chưa hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của Thành Thành Công Biên Hòa theo báo cáo tài chính là 339,3 tỷ đồng, còn Mía đường Biên Hòa là 289 tỷ đồng.
Sự kém sắc trong kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này phần lớn được cho là khó khăn chung toàn ngành. Trước đó, ngành mía đường được nhận định là đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong 15 năm trở lại đây do thiếu tính cạnh tranh, nỗi lo hàng nhập lậu, đặc biệt là tình trạng tồn kho.
Thực tế, mức tồn kho hiện đang ở mức cao, bắt đầu từ niên vụ 2015-2016, tỷ lệ tồn kho tăng, thậm chí đạt ngưỡng 70% và tiếp diễn cho đến nay.
Điển hình như tại Mía đường Lam Sơn, tính tới ngày 30/6/2018, ngày kết thúc niên độ tài chính năm 2017-2018, lượng hàng tồn kho của công ty đạt 821 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro hàng tồn kho là 8,8 tỷ đồng.
Tại Thành Thành Công Biên Hòa, khoản mục hàng tồn kho cũng tăng mạnh sau hợp nhất, đi cùng chi phí quản lý, chi phí tài chính tăng cao, kéo lùi biên lãi.
Ngoài ra, doanh nghiệp mía đường luôn phải đối mặt với tình trạng nhập lậu thông qua đường tiểu ngạch, không cạnh tranh được giá bán, nguy cơ áp thuế tự vệ đối với mặt hàng nước ngọt khiến tình trạng kinh doanh càng trở nên khó khăn.
Mới đây, ISO đã dự đoán tình hình thị trường đường niên vụ 2018 – 2019 toàn cầu sản xuất trên 185 triệu tấn, tiêu dùng theo mức bình quân đạt 178 triệu tấn, tăng 1,65% so vụ trước và dư thừa khoảng 6,7 triệu tấn. Như vậy, áp lực đè lên đầu ra của đường cát Việt Nam sẽ càng nặng nề hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn điểm sáng cho toàn ngành mía đường là hiệp định ATIGA yêu cầu các nước ASEAN phải giảm mức thuế nhập khẩu đường về mức 5% được lùi thời gian áp dụng.
Theo đó, trong ngắn hạn, lo ngại đường Việt Nam có thể mất năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi đường Thái Lan có lợi thế nhờ mức giá rẻ hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg cũng có thể tạm gác.
Hơn nữa, giai đoạn 2018-2019, mặc dù ngành đường vẫn đang nằm trong chu kỳ thấp điểm, tuy nhiên dự báo vẫn sẽ được hỗ trợ từ giá đường hồi phục sau khi Brazil giảm cung do hạn hán kéo dài.
Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp vẫn cần có những kế hoạch dài hơi để đối mặt với những khó khăn, cải thiện tình trạng kinh doanh từ đó hỗ trợ thị giá cổ phiếu, củng cố niềm tin của cổ đông.
Linh Đan