Trước đó, trong phiên sáng, với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp giá sàn, cổ đông Novaland dường như “vỡ òa” sau chuỗi ngày mất thanh khoản. Tuy nhiên, áp lực bán tăng trở lại trong phiên chiều đã đẩy mã này trở lại giá sàn và vẫn còn dư bán hàng chục triệu cổ phiếu, đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư đã mua trong hôm nay.
Kết phiên 22/11, cổ phiếu NVL vẫn dư bán sàn 6,6 triệu cổ phiếu. |
Kết phiên, cổ phiếu NVL tiếp tục giảm sàn về 25.350 đồng/cp, đánh dấu phiên thứ 14 giảm sàn liên tục, với tổng giá trị giao dịch trong phiên đạt kỷ lục hơn 128,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 3.300 tỷ đồng.
Trong đó, khối ngoại bán ròng cổ phiếu NVL với giá trị hơn 30 tỷ đồng trong phiên giao dịch kỷ lục của mã này.
Đồng thời, do chênh lệch lớn về vốn hóa, NVL vẫn là cái tên ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu này đã lấy đi hơn 21 điểm của chỉ số chung.
Tính tới ngày 22/11, cổ phiếu Novaland đã để mất tổng cộng gần 70% thị giá kể từ đầu tháng 9.
Cổ phiếu NVL liên tục giảm sàn trong bối cảnh xuất hiện các thông tin bất lợi trong chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản cũng như việc tập đoàn này sa thải nhân sự và dòng tiền bị tắc nghẽn... khiến triển vọng kinh doanh, tình hình tài chính của Novaland trở nên tiêu cực.
Trước đó, lãnh đạo cùng cổ đông lớn của Novaland đã có những động thái “cứu giá” cổ phiếu trước diễn biến tiêu cực của cổ phiếu, nhưng dường như “lực bất tòng tâm” trước áp lực lệnh chất bán giá sàn trong thời gian qua.
Cụ thể, Novagroup đã mua vào thành công hơn 1,8 triệu trên tổng số 8 triệu cổ phiếu NVL đăng ký trong khoảng thời gian từ 14/10 đến 11/11/2022. Giao dịch không hoàn tất vì diễn biến thị trường chưa phù hợp.
Ông Bùi Cao Nhật Quân - con trai ông Bùi Thành Nhơn cũng đã mua thành công 2 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 14/10 đến 3/11 để nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 83 triệu đơn vị, tương đương 4,27% vốn.
Đánh giá về việc cổ phiếu bất động sản nói chung dậy sóng trong phiên giao dịch ngày 22/11, cũng như dòng tiền lớn đổ vào cổ phiếu NVL, giới phân tích cho rằng xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thị giá cổ phiếu bất động sản đã giảm rất sâu, nhiều mã đã giảm về dưới thị giá. Do đó, khi giá cổ phiếu giảm đến một mức nhất định thì dòng tiền vào bắt đáy là có cơ sở.
Trong khi đó, thị trường được ủng hộ bởi những thông tin tích cực khi Chính phủ có đã có những đông thái tìm giải pháp ổn định các thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản cũng giúp tình hình bớt xấu. Thậm chí, nhiều lãnh đạo của các công ty bất động sản cũng đã xuống tiền mua vào cổ phiếu công ty khi đã được chiết khấu rất sâu.
Đặc biệt, khi sáng 22/11, giới đầu tư đón nhận thông tin, Bộ Tài chính có kế hoạch họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào sáng 23/11. Thông tin này đã khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng nhóm ngành bất động sản sẽ được giải cứu và đã xuống tiền "bắt đáy".
C.Giang