Năm 2020 được cho là năm kinh doanh gian nan nhất của ngành sản xuất bia trong khoảng 20 năm trở lại đây, do chịu tác động kép bởi dịch Covid-19 và Nghị định 100 khiến doanh thu thuần của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Đến đầu năm 2021, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, kỳ vọng quý II lượng tiêu thụ bia sẽ tốt hơn nữa khi mùa nắng nóng kỷ lục đến. Thế nhưng, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến nghiêm trọng hơn đã giáng “đòn chí tử” vào các doanh nghiệp bia Việt Nam.
Lợi nhuận đi xuống
Kết quả kinh doanh quý II/2021 của “ông lớn” Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) có thị phần chủ yếu ở miền Bắc là một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định ngành bia rất nhạy cảm với đại dịch.
Theo đó, doanh thu trong kỳ của Habeco ghi nhận 1.977 tỷ đồng, giảm 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 182 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh quý I khởi sắc mà lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đã thu về 3.367 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 229 tỷ đồng, tăng 57% so với nửa đầu năm 2020.
Khó khăn nối tiếp khó khăn khiến cổ phiếu ngành bia ngày càng " thất sủng" . |
Tương tự, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) công bố doanh thu thuần quý II đạt 7.226 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng kỳ 2020. Dù vẫn duy trì hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí nguyên liệu đầu vào nhưng do mạnh tay chi quảng cáo và khuyến mại, lợi nhuận sau thuế của Sabeco chỉ ghi nhận 1.071 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sabeco đạt 13.088 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi hạch toán mọi chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Sabeco 6 tháng đầu năm đạt 2.057 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy, dù có vẻ vững vàng hơn các “đồng nghiệp” nhưng Sabeco đã bắt đầu bị ảnh hưởng vì tình hình dịch Covid-19 khi doanh thu và lợi nhuận không có nhiều chuyển biến so với quý II/2020, giai đoạn thấp điểm của ngành bia khi cả nước cách ly xã hội.
Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.289 tỷ đồng. So với kế hoạch trên, doanh nghiệp chưa hoàn thành đến 40% chỉ tiêu.
CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (mã: HAD) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu chỉ đạt 47,7 tỷ đồng, giảm 16% so với quý II/2020. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 3,3 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của công ty đạt 54,6 tỷ đồng, giảm 23% so với 6 tháng năm 2020; lợi nhuận sau thuế giảm sốc khi chỉ ghi nhận 296,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 4 tỷ đồng.
Bao giờ cho đến... ngày xưa
Sau cú “sale off” trên diện rộng cuối tháng 1/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp tăng đầy ấn tượng khi chỉ số Vn-Index vượt đỉnh lịch sử thành công và liên tiếp chinh phục những mục tiêu cao hơn.
Dòng tiền không ngừng đổ vào thị trường trong 5 tháng sau đó với thanh khoản có phiên vượt 30.000 tỷ đồng kéo hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những cái tên bị bỏ lại phía sau, trong đó phải kể đến sự góp mặt của nhóm cổ phiếu ngành bia.
Tính đến phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu SAB đang giao dịch ở mức giá 155.300 đồng/cp, ghi nhận mức giảm hơn 22% so với đầu năm; cổ phiếu BHN cũng “bốc hơi” 32,5% giá trị kể từ đầu năm, hiện đang giao dịch ở vùng giá 54.000 đồng/cp.
Điều này diễn ra tương tự với cổ phiếu đồ uống vốn hoá nhỏ như HAD với mức giảm 21%; SCD của Giải khát Chương Dương giảm 20,8%; SMB của Sài Gòn - Miền Trung giảm gần 5%.
Cùng với đà giảm của thị giá, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngành bia cũng khá “hẻo” khi chỉ khớp lệnh vài chục nghìn đơn vị/phiên, thậm chí có phiên không có giao dịch. Ngay cả thanh khoản của một bluechip như SAB cũng chỉ ghi nhận trung bình dưới 200.000 đơn vị mỗi phiên.
Trên sàn chứng khoán, luôn có những nhóm cổ phiếu cứ “đến hẹn lại lên”, vào mùa cao điểm tiêu thụ lại xuất hiện sóng, như sóng cổ phiếu bánh kẹo vào mùa Trung thu, hay sóng quý IV với cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản… Tất nhiên, ngành bia cũng vậy khi có tới 2 đợt là nắng nóng tháng 6 và dịp Tết, cuối năm.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện của thời chưa có Covid-19, đà giảm kể trên của các cổ phiếu ngành bia được dự báo có thể tiếp diễn bởi kết quả kinh doanh quý III chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do lệnh giãn cách nghiêm ngặt đang được thực hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP.HCM.
Trong một báo cáo của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), tác động tiêu cực của dịch Covid-19 có độ trễ nhất định đến thu nhập của người dân và nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống.
Đáng chú ý, xu hướng của người tiêu dùng cũng thay đổi trong đại dịch. Theo đó, người tiêu dùng sẽ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu tốt cho sức khỏe như nước ép hoa quả hay sữa thay cho đồ uống có cồn, để tăng sức đề kháng trước dịch còn nguy hiểm và phức tạp.
Công ty chứng khoán này dự báo, ngành bia sẽ phải mất khoảng 2 năm để phục hồi về mức trước Covid-19 và Nghị định 100.
Thực tế, đây không phải là một khoảng thời gian quá dài để chờ đợi một “nàng thơ”. Thế nhưng, giả thiết này được đưa ra dựa trên cơ sở mọi thứ quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, sẽ ra sao nếu nó không đi đúng “lộ trình”? Cần phải nhắc lại rằng, dịch Covid-19 và Nghị định 100 là 2 yếu tố đến với ngành bia một cách rất bất ngờ.
Minh Khuê