Thống kê mới nhất từ VnDirect cho thấy, quý III/2021, nhóm doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn có tăng trưởng lợi nhuận ròng cao nhất với 35,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi nhóm vốn hóa nhỏ tăng trưởng âm 22,5%, nhóm vốn hóa vừa tăng trưởng không đáng kể với 3,1%. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm vốn hoá lớn liên tục cho thấy sự “đuối sức”. Nhìn vào khoản lỗ trong tài khoản của mình, các nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ đây có còn là cổ phiếu tốt.
Largecap không còn “hấp dẫn”?
Lý giải về sự giảm mạnh của các mã vốn hóa lớn trong thời gian qua, ông Nguyễn Kim Chi, Nhà sáng lập của Cộng đồng đầu tư Hello Stock cho rằng, nguyên do chính là vì tình hình dịch bệnh trong quý III. Kinh tế bị đóng băng khiến các doanh nghiệp đầu ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm ngân hàng với các vấn đề như nợ xấu, tăng trưởng tín dụng…
Nhóm vốn hoá lớn liên tục cho thấy sự “đuối sức”. (Ảnh: Int) |
Thực tế cho thấy, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các đợt giãn cách kéo dài tại không ít địa phương, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay, chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, tính đến đầu tháng 9, BIDV (mã: BID) giảm lãi cho khách hàng 1.032 tỷ đồng, Vietcombank (mã: VCB) là 943 tỷ đồng, VietinBank (mã: CTG) là 857 tỷ đồng, đồng thời tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Điều này một phần đã phản ánh qua giá cổ phiếu giảm mạnh, nhất là các mã CTG, VCB, BID và chính các mã này cũng làm cho định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng giảm về 2,08 lần từ mức đỉnh 2,65.
Các “ông lớn” của mảng tiêu dùng bán lẻ như VRE (CTCP Vincom Retail) và PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm trong quý III/2021 lần lượt là 787 tỷ đồng (-55%) và 877 tỷ đồng (-78%) so với cùng kỳ do tác động từ đợt bùng phát dịch thứ tư làm cho nhiều chi nhánh buộc phải đóng cửa. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho mã cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này vẫn chưa thể bứt phá được và liên tục chìm trong sắc đỏ.
Về mặt tâm lý, nhà đầu tư cắt giảm danh mục và thoát khỏi nhóm vốn hóa lớn khiến dòng tiền rời khỏi nhóm này. Bên cạnh đó, đây là các cổ phiếu đã tăng mạnh nên cần điều chỉnh kỹ thuật để tìm mặt bằng hợp lý.
Mặc dù dòng tiền lớn đang tập trung vào nhóm dẫn dắt là các mã cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, nhưng thị trường nhiều lần cho thấy rủi ro khi nhóm dẫn dắt quay đầu, bởi các mã nhỏ rất khó đi ngược dòng đủ bền.
Trong khi đó, trong những phiên giao dịch vượt đỉnh cho thấy, nhóm kéo chỉ số hỗ trợ thị trường lại luôn là nhóm vốn hoá lớn. Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch đầu tháng 11 này, thị trường đang có xu hướng chốt lời mạnh ở nhóm vốn hoá nhỏ và dòng tiền tìm đến nhóm vốn hoá lớn, nhất là trong các phiên có thanh khoản hơn 2,2 tỷ USD.
Qua đó, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng trước sự tăng quá nóng của những cổ phiếu nhỏ mang tính chất đầu cơ, vì dòng tiền vào nhanh và ra cũng nhanh. Đồng thời, thị trường đang trong xu hướng tăng nóng nhưng không theo một mô hình hay quy luật nào và chủ yếu dựa vào tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân làm cho mức độ rủi ro tăng cao.
Vì vậy, nhiều khả năng việc tăng giá là do nhóm đầu cơ thoát hàng khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cũng có thể dòng tiền chưa thực sự rút ra khỏi nhóm vốn hoá lớn chuyển sang nhóm nhỏ mà chỉ là đang chờ cơ hội.
Kỳ vọng vào sự trở lại
Theo báo cáo thị trường của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), việc mở cửa nền kinh tế đang là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản cá nhân mở mới không ngừng tăng, khoảng 100.000 đơn vị/tháng. Lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy thị trường cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.
Có thể thấy, Largecap thường là các công ty lớn, hoạt động lâu năm và có vốn hóa lớn (giá cổ phiếu tương đối cao hoặc số lượng cổ phiếu nhiều) nên biến động giá cổ phiếu loại này thường ổn định, kiểm soát tốt hơn khi nền kinh tế suy thoái và do đó được đánh giá là ít rủi ro hơn cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đây cũng chính là lý do mà các nhà đầu tư trung và dài hạn cần quan tâm tới.
Rất có thể nhóm vốn hóa lớn là điểm đến tiếp theo của dòng tiền. (Ảnh: Int) |
Diễn biến những phiên giao dịch gần đây cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được cho là đang có dấu hiệu lưỡng lự khi chờ đợi dòng tiền dần phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu để có thể quay lại dẫn dắt đà tăng của thị trường. Đáng chú ý, thanh khoản của VN30 tăng mạnh và có yếu tố bắt đáy trong các giao dịch lớn của SSI (CTCP chứng khoán SSI), TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam), STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín) và VNM (CTCP Sữa Việt Nam).
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) cho rằng, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiến tới ngưỡng tiếp theo là vùng 1.500 điểm. Thị trường cho thấy đang dần có sự phân hoá rõ nét khi dòng tiền có xu hướng tập trung hơn ở nhóm vốn hoá lớn.
“Tính tới thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ các nhóm ngành đều đã có nhịp chạy khá mạnh, có lẽ chính các cổ phiếu vốn hoá lớn lại đang là nhóm có mặt bằng giá “hấp dẫn nhất” nếu so với sức tăng của thị trường chung. Do vậy, rất có thể đây là điểm đến tiếp theo của dòng tiền”, ông Linh nhận định.
Tuy nhiên, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Sacombank cũng lưu ý, trong các nhịp tăng hiện tại vẫn thiếu sự đồng hành của các nhóm cổ phiếu quan trọng như ngân hàng, chứng khoán. Nếu điều này không được cải thiện thì xu thế tích cực khó có thể tiếp tục xảy ra.
Như VnBusiness đã thông tin, quý IV, khả năng nhóm ngân hàng nói chung sẽ đón nhận dòng tiền lớn quay trở lại khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ như VRE, PNJ “hồi sinh” và tăng trưởng trở lại sau đại dịch khi mà nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân được nâng lên, đặc biệt là trong giai đoạn gần Tết.
Nhà sáng lập của Cộng đồng đầu tư Hello Stock Nguyễn Kim Chi nhìn nhận: “Các doanh nghiệp vốn hóa lớn là những doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ tình hình rủi ro tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình tận dụng thì họ phải có những sắp xếp lại để gia tăng năng lực sản xuất. Với triển vọng tiêm vắc xin và kinh tế 2022, cơ hội từ tái mở cửa nền kinh tế của các doanh nghiệp vốn hóa lớn là rất quan trọng. Sau dịch, các doanh nghiệp này sẽ phát triển ở mức cao hơn”.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô & chiến lược thị trường, Khối phân tích của Chứng khoán VNDirect nhận xét, khi thị trường quay trở lại xu hướng tăng rõ nét trong thời gian tới thì dòng tiền thông minh sẽ lại ưu tiên tìm đến nhóm vốn hoá lớn, doanh nghiệp đầu ngành với thanh khoản cao để tận dụng đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư nên ưu tiên tích luỹ những cổ phiếu đầu ngành trong những ngành được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hải Giang