Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho cùng lúc 4 doanh nghiệp (DN) với hơn 55 triệu cổ phiếu được niêm yết, nâng tổng số mã niêm yết trên sàn này lên 380 mã.
Bên cạnh đó là việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – mã: POW) với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp vào ngày 14/1.
Hành trang lên sàn
Theo đó, HNX đã có quyết định chấp thuận niêm yết cho 7,25 triệu cổ phiếu PHN của CTCP Pin Hà Nội, tương đương vốn điều lệ đạt 72,5 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông của công ty hiện có 3 cổ đông lớn bao gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Nghĩa (5,02%), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (21%) và đối tác chiến lược GP Batteries International Limited (30%).
Chính thức đầu tư vào Pin Hà Nội từ năm 2011, GP Batteries International Limited đã chi ra 29,54 tỷ đồng (28.500 đồng/cp) để sở hữu 30% cổ phần tại DN này.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của Pin Hà Nội tăng hơn 20 tỷ đồng, tương ứng với 8,21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 11,97 tỷ đồng, giảm 5,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 31,48% do chi phí nguyên liệu tăng mạnh.
Tương tự, CTCP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam (Vinaherbfoods) cũng tự tin đưa 8,8 triệu cổ phiếu VHE lên sàn HNX nhờ lĩnh vực kinh doanh thiết yếu đặc thù liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kết thúc năm 2017, doanh thu của Vinaherbfoods đạt gần 91 tỷ đồng, gấp 15 lần năm 2016; lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng, tăng 285%. Tiếp tục đà tăng trưởng với lợi thế về xuất khẩu thảo dược, trong 9 tháng năm 2018, Vinaherbfoods ghi nhận 178,2 tỷ đồng doanh thu và 4,16 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có các DN khác sẽ niêm yết trên HNX như CTCP Công nghệ cao Trung An (mã: TAR), CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã: SHE)…
Đáng chú ý nhất phải kể đến kế hoạch lên sàn của một cổ phiếu thuộc nhóm "vua" là MSB trong quý I/2019 trên HoSE đã được nêu ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018.
Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông chấp thuận ủy quyền cho HĐQT ngân hàng thực hiện lập Hồ sơ đăng ký niêm yết, thực hiện các trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự kiến, còn thực tế ra sao thì vẫn cần phải chờ ngân hàng lên tiếng.
Không phải là một mã cổ phiếu mới nhưng việc chuyển sàn niêm yết cũng khiến cổ phiếu POW của PV Power trở thành "tân binh" của sàn HoSE. Với những dấu ấn từ phiên IPO đến quá trình giao dịch trên UPCoM, hơn 2,3 tỷ cổ phiếu POW được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" trên sàn giao dịch chính thức.
Trong ba doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cổ phần hóa vào đầu năm 2018 là công ty TNHH Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã : BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil – mã; Oil), PV Power là DN đầu tiên hoàn tất công tác chuyển sàn.
Các cổ phiếu mới lên sàn có thể mang lại may mắn nhưng cũng có nhiều khả năng khiến các nhà đầu tư phải ngậm ngùi |
May mắn hay ngậm ngùi?
Thông thường, những cổ phiếu mới lên sàn hoặc chuyển sàn thường gây chú ý cho giới đầu tư bởi sự mới mẻ, nhất là trong giai đoạn thị trường bất ổn như hiện nay. Tuy nhiên, không phải DN mới lên sàn nào cũng đem lại sự may mắn cho các nhà đầu tư.
Trước đó, đã có khá nhiều nhà đầu tư phải ngậm ngùi trước những "làn gió mới" điển hình như cổ phiếu TCB của Techcombank đã giảm sàn kịch biên độ, vốn hóa "bốc hơi" gần 30.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,3 tỷ USD ngay trong ngày đầu tiên.
Hiện, TCB đang giao dịch tại mức giá 26.000 đồng/cp – là một khoảng cách khá xa với giá chào sàn 110.000 đồng/cp.
Hay như trường hợp của cổ phiếu FRT (FPT Retail) lên sàn với giá 125.000 đồng/cp, tăng trần hai phiên liên tiếp lên 160.500 đồng/cp nhưng ngay sau đó, các nhà đầu tư đã phải đối mặt với "game" phát hành tăng vốn điều lệ.
Hiện, cổ phiếu FRT đang giao dịch tại mức giá 70.000 đồng/cp với thanh khoản khá trồi sụt, như phiên giao dịch ngày 11/1/2019 chỉ có khoảng… 30 cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị đạt 2 triệu đồng.
Quay lại với những cái tên mới sẽ gia nhập "chứng trường" tới đây, mặc dù doanh thu vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng trong năm 2018, Pin Hà Nội lại đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 21% so với năm 2017 do phải đối mặt với việc giá nguyên liệu tăng, cụ thể là kẽm.
Cụ thể, giá mua kẽm trong năm 2017 là 61,85 triệu đồng/tấn, trong khi giá kẽm trong năm 2018 là khoảng 68 triệu đồng/ tấn, dẫn đến chi phí kẽm thỏi đầu vào 9 tháng đầu năm 2018 tăng 7,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự là Vinaherbfoods. Với chiến lược phát triển dòng sản phẩm nước uống thảo dược và chiến lược đưa sản phẩm này lên kệ các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Citimart, Aeon, MM Mega Market, Circle K… và mở rộng thị trường tới Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang…, trong năm 2019 có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho DN.
Tuy nhiên, thị trường đồ uống hiện nay đang phải cạnh tranh khốc liệt khi các DN lớn cũng đang tiến dần sang mảng đồ uống sức khỏe, nên sẽ là một thách thức đối với Vinaherbfoods.
Hoặc giả sử như MSB có lên sàn trong thời gian tới đây thì trước bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đã không còn được hấp dẫn như trước thì cũng khó trở thành một "món hời" đối với các nhà đầu tư.
Linh Đan