Nghị định 32 về quản lý vốn, bán vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định giá bán cổ phần khi thoái vốn không được thấp hơn mức giá bình quân 30 phiên gần nhất trên sàn niêm yết. Nếu tính theo giá bình quân 30 ngày theo quy định của Nghị định 32, thì giá bình quân của MBB khoảng 23.264 đồng/cp.
Mới chỉ thoái 1/3 lượng sở hữu
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo tổ chức đấu giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – mã: MBB) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã: VCB) sở hữu.
Theo đó, Vietcombank chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB, với giá khởi điểm 19.641 đồng/cp, dựa trên kết quả định giá của công ty Thẩm định giá Indochina. Thời gian đấu giá dự kiến vào 15h30 ngày 15/10/2018 tại HNX.
Hiện, Vietcombank đang nắm giữ 6,97% vốn tại MB, tương đương 150 triệu cổ phiếu MBB, giá gốc của khoản đầu tư tại MB của Vietcombank là 1.243 tỷ đồng – đây cũng là khoản đầu tư có giá trị lớn nhất trong các ngân hàng mà Vietcombank sở hữu.
Như vậy, lượng cổ phần được đem ra chào bán chỉ bằng 1/3 tổng số cổ phiếu mà Vietcombank đang sở hữu tại MB, vừa đủ để ngân hàng đáp ứng yêu cầu sở hữu tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nếu chào bán thành công, Vietcombank dự kiến thu về khoảng 1.048 tỷ đồng, sở hữu của Vietcombank sẽ giảm xuống còn 4,5% vốn tại MB và không còn là cổ đông lớn.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết NHNN đã phê duyệt cho Vietcombank được quyết định tỷ lệ thoái vốn tại Eximbank và MB. Do đó, Vietcombank không cần thoái hết vốn tại MB.
Việc Vietcombank không muốn thoái hết vốn tại MB là điều vô cùng dễ hiểu bởi đây là khoản đầu tư mang lại hiệu quả nhất, bởi MB đang là một trong những ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhất (tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 12%; tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 1,29%).
Về kết quả kinh doanh, theo BCTC 6 tháng đầu năm 2018 của MB, ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 3.829 tỷ đồng, tăng 52,5% so với cùng kỳ. MB cũng là một trong những ngân hàng duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao song song cả tiền mặt và cổ phiếu trong nhiều năm.
Hồi tháng 1/2018, MB đã chi hơn 1.000 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, với lượng sở hữu 150 triệu cổ phiếu, Vietcombank có thể thu về 90 tỷ đồng tiền mặt.
Ngày 9/7 vừa qua, MB cũng vừa chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2 bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, tương đương với 90,77 triệu cổ phiếu (907,75 tỷ đồng). Mặt khác, giá cổ phiếu MBB cũng được các CTCK đánh giá cao với mức giá dự kiến trong dài hạn đạt trên 30.000 đồng/cp.
Thoái vốn sẽ đóng góp cho Vietcombank 1.600 tỷ đồng vào khoản thu nhập ngoài lãi |
Những băn khoăn
Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 18/9, cổ phiếu MBB đóng cửa tại mức giá 22.100 đồng/cp, cao hơn 13% so với mức giá Vietcombank đưa ra.
Sự chênh lệch về thị giá cũng đồng nghĩa với việc có sự chênh lệch về giá trị khoản bán vốn. Theo ước tính của Thời báo Kinh Doanh, nếu tính tại mức giá hiện tại, Vietcombank sẽ thu về khoảng 1.180 tỷ đồng từ việc thoái vốn, cao hơn mức giá dự kiến gần 70 tỷ đồng và thu hồi được gần hết gốc.
Thậm chí, nếu theo quy định tại Nghị định 32, mức giá giao dịch bình quân của cổ phiếu MBB trong vòng 30 ngày đạt khoảng 23.264 đồng/ cp, cao hơn tới 18,4% so với mức giá khởi điểm do Vietcombank đăng ký chào bán. Do đó, giới đầu tư lo lắng nếu Vietcombank đấu giá thành công tại mức giá khởi điểm 19.641 đồng/ cp thì có vi phạm Nghị định 32 hay làm thất thoát tài sản?
Lý giải về thắc mắc của các nhà đầu tư, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết Vietcombank đưa ra mức giá khởi điểm như hiện tại đã dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng và cũng đã được Bộ Tài chính và ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Cũng theo ông Thành, Vietcombank không thuộc đối tượng chịu điều chỉnh của Nghị định 32, do Nghị định chỉ điều chỉnh với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, trong khi Nhà nước chỉ đang nắm giữ 77% cổ phần tại Vietcombank.
Hơn nữa, tính thị trường của kế hoạch chào bán được xác định theo nguyên tắc: Giá chào bán sẽ không thấp hơn mức giá định giá, không thấp hơn giá MBB đóng cửa tại phiên giao dịch cùng thời điểm, tức phiên giao dịch ngày 15/10.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc Vietcombank đưa ra mức Giá khởi điểm được cho là “rẻ” so với thị trường cũng không phải điều quá khó hiểu trước diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán như hiện nay cùng với những “tấm gương” về sự thất bại trong công tác thoái vốn trước đó.
Nếu Vietcombank đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn hoặc bằng thị giá hiện nay thì khả năng “đổ bể” thương vụ thoái vốn là rất có thể xảy ra.
Trong khi đó, theo nhận định của VCSC, các khoản thu từ thoái vốn khỏi OCB, Vietnam Airlines, Eximbank và MB sẽ đóng góp cho Vietcombank 1.600 tỷ đồng vào khoản thu nhập ngoài lãi.
Tuy nhiên, kết quả đấu giá, giá đấu thành công, hay Vietcombank có bán cổ phiếu với giá rẻ, cần phải chờ đến phiên giao dịch ngày 15/10 mới có thể có câu trả lời. Điều này tạo nên kịch tính cho phiên đấu giá này.
Đáng chú ý, nhà đầu tư sẽ được Vietcombank hoàn tiền đặt cọc khi trả giá thấp hơn mức quy định, tức thấp hơn mức giá đóng cửa ngày 15/10.
Linh Đan