NGƯỜI LÔ LÔ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC Ở HÀ GIANG
Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Hà Giang, Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đồng bào Lô Lô (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) là một dân tộc hiếm ở Việt Nam. Ở Lũng Cú có một thôn nhỏ mang tên Lô Lô Chải là nơi tập trung đông người Lô Lô sinh sống, tính đến cuối năm 2020, thôn Lô Lô Chải có 102 hộ, 516 nhân khẩu.
Nếu như trước đây, cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn thì nay đã có sự khởi sắc. Có được điều đó bởi người Lô Lô xác định thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa. Chính từ phong trào thi đua yêu nước đã lan tỏa tinh thần quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đưa thôn Lô Lô Chải nằm nép mình dưới cột cờ Lũng Cú từng bước phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội.
Phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều năm trở lại đây đồng bào Lô Lô đã nêu cao tinh thần yêu nước thông qua việc tập trung phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Người Lô Lô Chải đã đẩy mạnh phát triển các thế mạnh của địa phương, một trong những thế mạnh đó là nghề dệt truyền thống.
Đối với người Lô Lô, nghề dệt thổ cẩm có từ rất lâu đời, bất cứ người con gái Lô Lô nào cũng biết dệt thổ cẩm và đã trở thành một nét riêng của dân tộc mình. Nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác thêu dệt trang phục Lô Lô Chải với sự tham gia của 27 thành viên.
![]() |
Trang phục của phụ nữ Lô Lô rực rỡ màu sắc và nhiều chi tiết nên phải mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành. |
Trang phục của phụ nữ Lô Lô được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn tinh xảo như hình tam giác, hình vuông, hình thảo quả… Khăn quấn đầu được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ. Để hoàn thiện một bộ trang phục, các thành viên phải mất khoảng 2 năm.
Ngoài giữ gìn cách thêu thủ công truyền thống, đến nay, tổ hợp tác đã trang bị các loại máy may, khung dệt… nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn. Để giúp thành viên nâng cao tay nghề, tổ hợp tác kết hợp cùng Hội Phụ nữ mở lớp tập huấn theo định kỳ. Những kỹ thuật nhuộm vải, sang sợi, cắt, may, thêu… với những hoa văn đặc trưng đã được những thành viên có kinh nghiệm truyền lại cho chị em phụ nữ, học viên địa phương. Đến nay, 27/27 thành viên của tổ hợp tác đều thành thạo nghề thêu hoa văn. Nhiều phụ nữ trong thôn cũng trở thành đơn vị vệ tinh cung cấp sản phẩm cho tổ hợp tác.
Tham gia tổ hợp tác giúp các thành viên thêm yêu nghề và từng bước nâng cao thu nhập. Ngoài chăn nuôi và trồng trọt, trung bình mỗi tháng, mỗi thành viên có thêm nguồn thu 2 - 4 triệu đồng.
Hiện, ngoài bán cho khách du lịch, trưng bày tại các khu homestay, sản phẩm còn được một số đơn vị ưa chuộng. Niềm vui của các thành viên tổ hợp tác được nhân lên khi dưới sự hỗ trợ, kết nối của Sở Công thương Hà Giang và Hội Phụ nữ tỉnh, một số đơn hàng là những mảnh ghép trên áo, trên khăn đã được xuất bán ngoại tỉnh.
Việc các thành viên tổ hợp tác thêu dệt trang phục Lô Lô tích cực hoạt động, gìn giữ được các tinh hoa văn hóa, nghề truyền thống của cha ông là rất đáng quý. Đó cũng là thể hiện tinh thần và lòng yêu nước của các nghệ nhân và đồng bào dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú. Đặc biệt việc liên kết theo mô hình kinh tế hợp tác bước đầu giúp nghề dệt truyền thống của người Lô Lô tiếp cận được với nhiều khách hàng, thích ứng với thời kỳ hội nhập kinh tế.
Đoàn kết, xây dựng nông thôn mới
Ngoài phát triển nghề dệt truyền thống, đồng bào dân tộc Lô Lô còn tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế xã hội.
Một trong những điểm nhấn là đồng bào Lô Lô đã cùng địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Phát huy tối đa mọi nguồn lực, đoàn kết một lòng”. Cụ thể là người dân đã tích cực xây dựng Lô Lô Chải thành làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới bằng việc đầu tư xây dựng các homestay, trồng dược liệu, phát triển nghề dệt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa hay đi học các lớp làm du lịch chuyên nghiệp và hình thành HTX du lịch để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân… Nhờ đó, Lô Lô Chải đã trở thành một trong những điểm đến văn hoá, du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Theo UBND tỉnh Hà Giang, trung bình mỗi năm, làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải thu hút khoảng 8 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Người Lô Lô cũng coi đây là niềm tự hào dân tộc mình khi giới thiệu những nét đẹp đặc sắc của quê hương.
![]() |
Đồng bào Lô Lô rất ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp thu hút khách du lịch. |
Phát huy vai trò chủ thể của người dân, đồng bào Lô Lô còn tích cực hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của xây dựng hạ tầng, chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng trở nên khang trang, đáng sống. Đặc biệt sự chung sức, thi đua trong sản xuất kinh doanh cùng với sự lan tỏa tinh thần yêu nước của đồng bào Lô Lô đã góp phần không nhỏ giúp xã Lũng Cú hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2021.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng Ban tôn giáo tỉnh Hà Giang, cho biết nhờ tập trung tuyên truyền nên dù là dân tộc thiểu số nhưng đồng bào Lô Lô đã hiểu được ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước và đi vào thực hiện một cách thực chất. Trong quá trình triển khai, đến nay đã có không ít tấm gương, mô hình điển hình do người Lô Lô thực hiện hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương nhận rộng các mô hình hay, cách làm tốt, các điển hình tiên tiến để mọi người học tập và làm theo. Đồng thời cũng là nền tảng giúp huyện Đồng Văn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo.
Bài 2: Hợp tác làm du lịch cộng đồng
Như Yến