Ngay sau công bố của lãnh đạo nhà trường, thông tin này đã gây được nhiều sự chú ý và tranh luận trên mạng xã hội. Trong đó, giới luật sư cho rằng pháp luật Việt Nam chưa công nhận Bitcoin là tiền, nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên sẽ hàm chứa rủi ro cao.
Nhiều nơi chấp nhận thanh toán Bitcoin
Kể từ đầu năm đến nay, đồng tiền số bitcoin đã tăng gấp 5,3 lần, đánh bật mọi sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu. Đà tăng mạnh mẽ của Bitcoin cũng như những tiềm năng hứa hẹn sẽ làm thay đổi thế giới đã giúp cho đồng tiền số này thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư trên toàn cầu, trở thành tài sản giá trị có tính lưu chuyển dễ dàng.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kinh doanh tiền ảo dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ngày 26/10, trên trang web của trường ĐH FPT phát đi thông báo: “Chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại”. Trước thông tin này, mạng xã hội đã “nổ” ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng Bitcoin là một sản phẩm công nghệ mới của kỷ nguyên 4.0 và cách làm của trường ĐH FPT cho thấy tính thức thời với vai trò là trường đào tạo về công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn bày tỏ ý kiến lo ngại về tính chất pháp lý của Bitcoin. Theo phân tích của các luật sư, sử dụng Bitcoin như một phương thức thanh toán, rủi ro sẽ rất cao khi có tranh chấp xảy ra.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT công ty luật Basico, cho biết: “Trên đất nước Việt Nam, mọi hình thức thanh toán phải dùng tiền Việt Nam, không được sử dụng đồng tiền khác trừ trường hợp được phép. Do vậy, việc trường ĐH FPT chấp nhận thanh toán học phí bằng Bitcoin là trái với những quy định của pháp luật”.
Trước những ý kiến của luật sư Đức, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch trường ĐH FPT cho rằng: “NHNN cấm thì cũng chỉ là không cho phép lập sàn giao dịch, chứ thực tế mọi người vẫn tự mua hay sở hữu nó. Thậm chí, một số nơi đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ở Tp.HCM thậm chí đã có Bitcoin ATM”.
Ông Tùng cho hay hiện tại có khoảng 100 sinh viên nước ngoài đang theo học tại ĐH FPT ở Việt Nam, nhưng tất cả sinh viên này đều đã đóng học phí bằng ngoại tệ USD.
Tuy nhiên, do số lượng sinh viên nước ngoài ít nên nhà trường áp dụng hình thức này trên tinh thần thử nghiệm. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng Bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường.
Từ 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp đổ xô kinh doanh tiền ảo, cũng như một số doanh nghiệp bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán trong các giao dịch hiện nay đang làm méo mó thị trường tiền tệ, ngày 28/10 NHNN đã phát đi thông “cấm cửa” Bitcoin.
Theo đó, từ 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo cơ quan điều hành, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp vào Bộ luật Hình sự.
Trước đó, tại tại Khoản 6, Điều 4, Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nêu: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.
Khoản 7 nói rõ: “Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.
Từ đó, NHNN khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Thông báo của NHNN khẳng định, nếu doanh nghiệp có bất kỳ hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, chiểu theo quy định này, nếu trường Đại học FPT vẫn giữ chủ trương thu học phí bằng Bitcoin có thể bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền đến 200 triệu đồng.
Huyền Anh