Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn 2018 – 2020, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) sẽ bước vào giai đoạn “nước rút” cuối cùng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã có sự thay đổi không chỉ về chất mà còn về lượng, với quy mô vốn hóa ở mức tương đương các thị trường mới nổi trong khu vực. Vì vậy, những DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề sẽ là đối tượng để các nhà đầu tư săn đón.
Vốn phụ thuộc vào ngân hàng
Ngày 25/10, tại Hội thảo về chủ đề “Thị trường vốn – Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”, công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô thương mại tới 360 tỷ USD, đang thu hút vốn đến 300 tỷ USD, trong đó, khu vực FDI đóng góp khoảng 22% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam đạt 6,5%/năm trong 30 năm qua. Nhưng hiện nay, nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế chủ yếu đến từ khu vực ngân hàng.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2016, hệ thống tài chính cung ứng khoảng 1.230.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%, thị trường vốn cung ứng 31,9%.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay vốn đầu tư nền kinh tế đang phụ thuộc chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng. Dự kiến trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 21%, tương đương với việc sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế.
Những con số trên cho thấy việc cung ứng vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Về lý thuyết, để nguồn vốn cho nền kinh tế được ổn định và bền vững, các ngân hàng sẽ chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn, còn công ty chứng khoán, quản lý quỹ và các công ty bảo hiểm sẽ tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực ngân hàng đang đảm trách cả vốn ngắn, trung và dài hạn khiến thị trường vốn bị chênh lệch. Do đó, việc cần thiết lập lại trật tự thị trường vốn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế đang trở nên vô cùng quan trọng.
9 tháng đầu năm 2017, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 202.000 tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 13.184 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với bình quân cả năm 2016.
Kênh huy động vốn trung và dài hạn
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hiện nay, tiềm năng từ các thị trường chứng khoán và trái phiếu là rất lớn nhưng vẫn chưa thể phát huy. Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng ba lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại hơn 63% GDP.
Năm 2006, nếu trên thị trường này chỉ có 192 DN niêm yết, đăng ký giao dịch và có duy nhất 1 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD thì hiện nay, có trên 700 DN niêm yết, 640 DN đăng ký giao dịch, trong đó có 23 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đã có những bước phát triển nhanh, mạnh và ngày 10/8 vừa qua, Việt Nam đã chính thức mở thị trường chứng khoán phái sinh.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 202.000 tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 13.184 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với bình quân cả năm 2016. Trong đó, giao dịch trái phiếu đạt hơn 8.646 tỷ đồng/phiên, tăng 34,4%; giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt hơn 4.538 tỷ đồng/phiên, tăng 49%.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán đang hút các nhà đầu tư ngoại mua ròng tăng mạnh. Tính chung cho cả sàn HoSE và HNX, khối ngoại đã mua vào tổng cộng 2,36 tỷ cổ phiếu, trị giá 89.162 tỷ đồng và bán ra hơn 2,3 tỷ cổ phiếu, trị giá 75.639 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một con số hết sức ấn tượng chính là tổng khối lượng mua ròng đạt 57,25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng vào gần 13.512 tỷ đồng. Điều này có được là nhờ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng việc dòng vốn đầu tư quốc tế từ đầu năm 2017 có xu hướng quay lại các thị trường chứng khoán khu vực châu Á.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang coi trọng phát triển thị trường vốn hiệu quả để thị trường chứng khoán thực sự đóng vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI, cho biết giai đoạn 2018 – 2020, quá trình tái cơ cấu DN sẽ bước vào giai đoạn “nước rút” cuối cùng.
Đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết sẽ là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự thay đổi không chỉ về chất, mà còn về lượng, với quy mô vốn hóa ở mức tương đương các thị trường mới nổi trong khu vực.
Do đó, đây thực sự là cơ hội tốt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài “đổ vốn” vào. Từ đó sẽ có một nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. “Thời gian tới, thị trường chứng khoán sẽ phát huy hiệu quả là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế”, ông Hưng nói.
Huyền Anh