Người Dao là dân tộc thiểu số có số lượng đông đảo nhất ở Thanh Sơn. Những năm qua, nhiều bản làng người Dao trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi vượt bậc. Những căn nhà dột nát năm xưa nay đã được thay bằng những ngôi nhà kiên cố; những con đường lầy lội bùn đất, lởm chởm sỏi đá đã được bê tông hóa...
Sức sống mới ở bản Dao Hạ Thành
Tân Lập là xã vùng cao của huyện Thanh Sơn, đại đa số dân cư là đồng bào dân tộc Dao. Với diện tích tự nhiên hơn 3.246 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm xấp xỉ 2.203 ha, xã có nhiều tiềm năng là phát triển kinh tế đồi rừng.
![]() |
Sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Sơn đang có những chuyển biến tích cực. |
Thời gian qua, ngành nông nghiệp xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng huyện, tỉnh để mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để người dân học tập, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất...
Sự chủ động của chính quyền và người dân đã giúp nông nghiệp, nông thôn xã Tân Lập khoác lên mình “tấm áo mới”. Nổi bật nhất trong phong trào thi đua xây dựng kinh tế tại địa phương phải kể đến bản Dao Hạ Thành, một trong những bản xa của xã nhưng lại có những bước phát triển đồng đều nhất.
Bản Dao Hạ Thành được vận động thành lập từ năm 1968, những người Dao đến đây được cấp đất xây dựng nhà, hỗ trợ vốn sản xuất để xây dựng kinh tế. Từ hơn chục hộ ban đầu di cư từ xóm Bương, xóm Lìm trên núi Hang Chuột, nay bản có 112 nóc nhà với gần 500 nhân khẩu.
Ông Đặng Đình Diện, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ bản Hạ Thành cho hay, hơn 40 năm trở về trước, khu vực này chủ yếu là rừng cây tạp, chưa có đường đi, từ trung tâm xã vào Hạ Thành phải đi bộ, lội suối, len lỏi qua những vạt rừng cả tiếng đồng hồ.
Sau này được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm 1994 bản có trường học, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, không còn các trường hợp bỏ học sớm. Đến năm 1996, bản có nước sạch. Năm 2002, các trục đường chính được mở, tạo điều kiện cho xe máy, ô tô vào tận bản; năm 2004 thì có điện lưới quốc gia. Cuộc sống của dân bản dần được cải thiện.
Với tư cách là người có uy tín trong bản, ông Đặng Đình Diện cũng đang là người tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Đến nay, gia đình ông Diện đã có một xưởng bóc ván gỗ và trang trại tổng hợp cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ông cũng là người truyền cảm hứng để hàng chục hộ đồng bào Dao trong bản học hỏi kinh nghiệm, đưa bưởi Diễn vào trồng ở những diện tích đồi kém hiệu quả.
Những khởi sắc toàn diện
Với việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế, từ năm 2010 đến nay, bản Dao Hạ Thành đã liên tục đổi mới, tỷ lệ nhà kiên cố chiếm trên 70%, nhà tạm dần được xóa bỏ, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.
![]() |
Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất giúp huyện Thanh Sơn chuyển hướng sản xuất từ lượng sang chất. |
Không chỉ nhạy bén trong phát triển kinh tế, người Dao bản Hạ Thành còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ những tập quán cũ lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, luôn ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân, biết sống đoàn kết trước sau vì tập thể.
Không chỉ có Hạ Thành, nhiều thôn, bản người Dao khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng đang có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện.
Điển hình như bản Hồ, xã Yên Sơn, với xấp xỉ 100% đồng bào Dao sinh sống, những năm qua có tốc độ giảm nghèo nhanh theo từng năm, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Trước đây, nếu lên được bản Hồ phải đi đường vòng mất hơn 20km, thì nay rút ngắn còn 13km tính từ trung tâm xã đi lên. Việc học tập của các em học sinh cũng được cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục quan tâm, với những điểm trường cho học sinh mầm non, tiểu học ngay tại bản.
Hay như tại bản Chự, xã Yên Sơn, những năm qua, nhà kiên cố mái đỏ, nhà vườn nằm ven đường mọc lên san sát. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm đã được đầu tư xây dựng. Có điện lưới, 90% số hộ trong bản đã có ti vi, nhiều hộ đã mua được xe tải, mở mang buôn bán, dịch vụ…
Đặc biệt, từ tập quán du canh, phá rừng trồng sắn, đến nay đồng bào người Dao ở 3 bản vùng cao xã Yên Sơn là Chự, Chen và Hồ đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng rừng nguyên liệu làm giấy, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.
Ông Đặng Văn Hòa, Bí thư Chi bộ bản Chen cho biết, từ trung tâm xã Yên Sơn qua các bản Chen, Chự rồi mới đến được bản Hồ.
Ước mong bao đời nay đối với người dân bản Chen, Chự, Hồ là làm được con đường rộng, có điện lưới quốc gia, nay đã thành sự thật. Nhờ có đường, trường, trạm mà ở cả 3 bản nơi đây, nhiều gia đình đã xây được nhà kiên cố, làm nhà vườn trị giá cả tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, là cơ hội để các phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao được khôi phục và giữ gìn. Người Dao nơi đây đã biết phát huy những mặt tích cực và xóa bỏ những tập quán hủ tục còn lạc hậu…
Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn, đời sống của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn huyện đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển cây lâm nghiệp như cây keo làm nguyên liệu giấy, những loại cây, con đặc sản như chuối phấn vàng, khoai tầng, gà ri.
Đặc biệt, tích cực phối hợp giữa các ngành của huyện triển khai các mô hình trồng cây ăn quả như mở rộng phát triển cây bưởi Diễn, cây chanh; tập trung phát triển đàn trâu, bò…
Nhờ có những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, giờ đây, các bản người Dao huyện Thanh Sơn đang yên vui với cuộc sống mới, tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.
Lệ Chi
Bài 2: Đánh thức sản phẩm thế mạnh