Dù vậy, với đặc thù là một xã vùng sâu vùng xa, có gần 100% dân số là đồng bào Bahnar, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Hà Đông, huyện Đak Đoa còn đặt ra không ít thách thức.
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Để nâng cao đời sống cho người dân, xã đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển những ngành kinh tế tiềm năng, trong đó chú trọng hoàn thiện các công trình thủy lợi nhằm mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hàng hóa, phát huy thế mạnh trồng rừng kinh tế.
![]() |
Những đổi mới trong tư duy sản xuất giúp người dân huyện Đak Đoa nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Đặc biệt, để bắt nhịp với những thay đổi của thời kỳ hội nhập, đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã Hà Đông đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trợ lực để người dân cải tạo vườn tạp, thay thế những cây trồng kém hiệu quả, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế.
Ông Y Brốt, người Bahnar, làng Kon Ma Har, xã Hà Đông, cho biết trước kia, gia đình ông trồng lúa, mì (sắn), do điều kiện thời tiết, đất đai bạc màu khiến hiệu quả kinh tế càng ngày càng xuống thấp.
Năm 2017, sau khi được cán bộ nông nghiệp xã tập huấn kỹ thuật, ông Brốt chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 2 ha vườn đồi sang trồng cà phê theo quy trình VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu canh tác. Đến nay, vườn cà phê đã cho thu hoạch được gần 3 năm, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo UBND xã Hà Đông, những năm qua, xã chủ trương định hướng, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng cây dài ngày như cà phê, tiêu, chăn nuôi dịch chuyển theo hướng nuôi nhốt chứ không thả rông. Hiện, xã đang khuyến khích các hộ chuyển đổi diện tích đất trồng mì bạc màu sang trồng rừng nguyên liệu, trồng cây keo lai.
Tương tự, xã Hà Bàu cũng đang là 1 trong những địa phương tiêu biểu trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Với đặc thù là xã vùng cao, đồng bào dân tộc Jrai chiếm trên 90%, các hộ chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất sản xuất, các gói giải pháp xóa đói, giảm nghèo được xã quan tâm triển khai đồng bộ. Trong đó, công tác tập huấn, hỗ trợ người dân đổi mới sản xuất là một trong những giải pháp mang tính quyết định.
Anh Y Wanh, người Jrai, làng Weh, xã Hà Bầu, chia sẻ trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ từ địa phương, gia đình anh và hầu hết các hộ trong làng đều nghèo, cứ đến đầu tháng là lại trông chờ địa phương đến phát gạo, trẻ con gần như không được đến trường.
Năm 2015 gia đình anh Wanh được hỗ trợ vay 30 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo của ngân hàng chính sách xã hội huyện Đak Đoa. Số tiền này anh đã đầu tư chăm sóc cà phê, hồ tiêu và kết hợp chăn nuôi bò.
Nhờ chăm chỉ làm ăn mà cuộc sống của gia đình anh Wanh ngày càng khấm khá hơn. Đến cuối năm 2018 gia đình anh đã thoát được nghèo. Sau khi trả hết số tiền đã vay, anh Wanh tiếp tục được hỗ trợ vay thêm vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, cho hay trong hơn 10 năm qua, xác định nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế của địa phương, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
![]() |
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại. |
Cụ thể, huyện đang từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ nông dân triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Huyện cũng đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu để chuyển sang sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa.
Nhờ đó, người dân ở khắp các thôn, làng, bản đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay thế dần các giống lúa truyền thống bằng giống lúa mới cho năng suất cao hơn. Quá trình chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê,… cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tập quán chăn nuôi cũ theo hình thức thả rông của người dân cũng dần được xóa bỏ, thay thế bằng chăn nuôi chuồng trại. Các hộ đã biết chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm vào mùa khô và biết cách phòng, chống bệnh dịch an toàn.
Với sự đồng hành của ngành nông nghiệp các cấp, năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày được nâng lên, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất rau, củ tại các xã Tân Bình, Glar; vùng trồng cây cà phê, hồ tiêu tại các xã Nam Yang, Kdang, Glar, Ia Băng; trồng cây ăn quả có múi tại xã Kon Gang…
Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã mang đến cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đak Đoa nhiều cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện có xấp xỉ 3.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 - 5%/năm, đến nay còn dưới 5%. Cuối năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn huyện đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích HTX, doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nông dân.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các HTX, tổ hợp tác, nhóm nông dân hợp tác, tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng chế biến sâu nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện liên kết giữa 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp gắn kết lợi ích, trách nhiệm giữa các bên.
Nhật Minh
Bài 2: Đi lên cùng kinh tế hợp tác