HTX nông nghiệp Hồng Sa, phường Quảng Phúc, đang là một trong những đơn vị phát triển sản xuất điển hình, điểm tựa vững chắc cho thành viên đồng bào công giáo tại địa phương. Để có được thành công hiện tại, không thể không nhắc tới vị "thuyền trưởng" Hồ Thanh Sỹ, một cựu chiến binh gương mẫu.
Những "ngọn cờ đầu"
Năm 1991, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông Hồ Thanh Sỹ về quê tham gia sản xuất, xây dựng gia đình và được cử làm công an viên xã Quảng Phúc, năm 1999 kiêm thêm kiểm lâm viên của xã.
Hiệu quả công tác tôn giáo giúp nhiều giáo dân xây dựng kinh tế, vươn lên thành những điển hình. |
Trải qua nhiều chức vụ tại địa phương, đến năm 2017, ông Sỹ đảm nhận cương vị mới là làm Giám đốc HTX nông nghiệp Hồng Sa cho đến nay. HTX hiện có gần 50 thành viên, hoạt động với phương châm xây dựng HTX thành mô hình điểm về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế, hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Trước khi trở thành Giám đốc HTX, làm tốt vai trò của một người “thuyền trưởng”, ông Hồ Thanh Sỹ không chỉ là một cán bộ gương mẫu mà còn là một điển hình kinh tế xuất sắc, truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Xuất thân từ một gia đình có nhiều khó khăn và kinh qua quân ngũ, trở về quê hương, ông Sỹ luôn suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo. Năm 2002, vợ chồng ông đầu tư mua gần 4ha đất ven núi cát, sau đó quy hoạch phát triển 1,7 ha ao hồ để nuôi cá, kết hợp kinh tế vườn.
Xây dựng trang trại tổng hợp, ngoài trồng rừng và cây ngắn ngày, ông Sỹ dành 1 ha trồng cỏ để làm thức ăn cho cá và trâu, bò. Ngoài huy động vốn của gia đình, ông vay mượn thêm để đầu tư chăn gia súc, gia cầm, riêng lợn rừng, ông thả trong vườn phi lao để chúng phát triển tự nhiên.
Nhờ cần cù, chịu khó, lấy ngắn nuôi dài, trang trại của ông nhanh chóng trở thành mô hình kinh tế điểm, tạo sức lan tỏa mạnh tại địa phương. Không chỉ cung cấp nông sản chất lượng cho các chợ và nhà hàng trên địa bàn thị xã, trang trại của ông còn phân phối sản phẩm cho nhiều vùng trong tỉnh, thu lãi ròng trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Anh Lưu Mạnh Tường, hộ công giáo thuộc tổ dân phố Đơn Sa, phường Quảng Phúc, chia sẻ vào năm 2017, được sự vận động của ông Hồ Thanh Sỹ, anh quyết định tham gia liên kết với HTX Hồng Sa.
Được sự hỗ trợ của HTX, anh Tường được tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, đặc biệt là được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, định hướng thị trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
“Hiện, gia đình tôi đang có gần 1,2 ha trang trại tổng hợp nuôi cá, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả (cam, bưởi, ổi). Nếu như trước đây khu đất này chỉ trồng màu, năng suất thấp, thu nhập chỉ vào khoảng 30 – 50 triệu đồng/năm, thì nay giá trị bình quân của trang trại đạt trên 100 triệu, sau khi trừ chi phí”, anh Tường cho hay.
Được sự đồng hành của HTX, anh Tường đang lên kế hoạch lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả, hiện đại hóa khu chăn nuôi lợn để hướng tới phát triển sản xuất công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường hội nhập.
Tạo sức lan tỏa
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, giáo dân giáo xứ Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, cũng đang là gương điển hình trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ở địa phương.
Các mô hình kinh tế điểm sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhân rộng để tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào giáo dân. |
Từ một tổ hợp sản xuất mộc mỹ nghệ truyền thống được hình thành tháng 6/2005, với những dụng cụ thô sơ, sản xuất ra những sản phẩm thiết yếu theo nhu cầu của bà con địa phương (bàn ghế, tủ, giường), ông Hùng đã xây dựng thành công xưởng mộc với những trang thiết bị, dụng cụ sản xuất hiện đại.
Hiện, sản phẩm từ xưởng mộc của gia đình ông Hùng không những đã có mặt ở thị xã Ba Đồn mà còn vươn ra thị trường các vùng dân cư khó tính khác. Với đội ngũ thợ lành nghề gồm 12 công nhân, mức lương bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng, xưởng tạo ra những món đồ mộc, mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo, rất “được lòng” thị trường.
Tận dụng thế mạnh về cát, sạn tại chỗ, lực lượng lao động dồi dào, ông Hùng tiếp tục mở thêm nghề sản xuất vật liệu xây dựng. Kể từ khi thành lập vào năm 2012, tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng (chuyên sản xuất gạch không nung) đến nay đã trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực, đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là giáo dân tại địa phương.
Ngoài ra, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông Hùng đã mạnh dạn đầu tư vốn và thuê cán bộ kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn người dân địa phương tự gieo trồng, chăm sóc cây ớt xuất khẩu trên chính đất vườn của mình, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Kể từ năm 2019 đến nay, với một chuỗi sản xuất, kinh doanh từ sản xuất mộc mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, đến chăn nuôi lợn, trồng và và thu mua ớt xuất khẩu. Thu nhập của ông Hùng bình quân 300 - 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động, với mức lương bình quân là 6 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ.
Đặc biệt, với tinh thần đồng hành cùng đất nước thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, gia đình ông Hùng đã tích cực hưởng ứng và luôn cố gắng không ngừng để khẳng định vị thế của người công giáo trong công cuộc xây dựng quê hương.
Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, đánh giá sự hình thành của những tấm gương điển hình tiên tiến chính là những ngọn “đuốc” thổi bùng ngọn lửa, tinh thần nhiệt huyết, thi đua phát triển kinh tế trên toàn địa bàn thị xã nói chung và vùng đồng bào công giáo nói riêng.
Những năm qua, để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, Thị ủy - UBND thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm hay, nhân rộng các gương điển hình trong sản xuất.
Trong thời gian tới, bên cạnh "tiếp lửa" cho phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, thị xã sẽ đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Xây dựng xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…
Lệ Chi