Huyện Ninh Phước hiện có khoảng 11 nghìn hộ đồng bào Chăm, với hơn 53 nghìn nhân khẩu sinh sống tập trung ở 22 thôn, khu phố thuộc 7 xã, thị trấn. Để ổn định cuộc sống cho người dân, huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo bước đột phá trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn.
Phát huy nguồn lực hỗ trợ
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, bằng nguồn vốn Trung ương, tỉnh và địa phương, huyện đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ.
Ninh Phước đang lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ đồng bào Chăm phát triển, nâng cao thu nhập. |
Cụ thể, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân vùng bào Chăm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng hiệu quả nhiều mô hình mới vào sản xuất, tạo động lực đưa sản xuất nông nghiệp phát triển.
Nhờ sự đồng hành của địa phương, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác của người dân tăng từ 142 triệu đồng/ha (năm 2015) lên xấp xỉ 200 triệu đồng/ha vào năm 2020, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện.
Cùng với đó, các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, đạt năng suất trên 7 tấn/ha/vụ, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái với diện tích 190 ha, tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu) với diện tích 40 ha, lợi nhuận tăng thêm 7,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà.
Hay như, đồng bào Chăm xã An Hải trồng mới 50 ha măng tây xanh được cấp chứng nhận VietGAP cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình cánh đồng lớn được thực hiện thí điểm tại vùng đồng bào Chăm xã Phước Hậu trên 56 ha lúa từ vụ hè - thu năm 2017 đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng thành công hơn 20 cánh đồng lớn, diện tích 2.348 ha, trong đó nổi bật có 12 cánh đồng lúa với diện tích 2.213 ha, 2 cánh đồng măng tây xanh, với diện tích 55 ha, 1 cánh đồng bắp với diện tích 80 ha…
Đáng chú ý, để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện Ninh Phước đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi. Hiện, trên địa bàn huyện đã có những công trình thủy lợi tiêu biểu như Sông Biêu, Bàu Zôn, Tà Ranh, Lanh Ra; hệ thống kênh Tiêu, Hóc Rọ, bờ sông Lu 1, 2, với chiều dài gần 5.000 m; kiên cố kênh mương cấp II, III, với chiều dài 68 km....
Theo thống kê, sau gần 10 năm, huyện Ninh Phước đã huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, tổng vốn đầu tư trên 2300 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện, tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm, thủy sản của huyện đạt trên 2.541 tỷ đồng, gấp hơn 4,13 lần so với năm 2011.
Nâng cao đời sống người dân
Việc phát huy tốt các chính sách, nguồn lực hỗ trợ đã và đang giúp đời sống người dân trên địa bàn huyện Ninh Phước, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Chăm liên tục được nâng lên. Ở các làng, xã, đường sá đi lại dễ dàng, sản xuất nông nghiệp khoa học, chuyển đổi cây trồng và vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư giúp đời sống của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Phước ngày càng nâng lên. |
Ông Bá Bình Lễ, người dân tộc Chăm ở xã Phước Hữu, chia sẻ trong 10 năm qua, điều kiện của ông và bà con ở đây thay đổi hoàn toàn.
“Khi chưa thực hiện xây dựng nông thôn mới, đường sá đi lại trong thôn khó khăn lắm. Đường ra đồng cũng không thuận lợi cho bà con đi làm; hệ thống thủy lợi cũng chưa thông thoáng. Trường lớp cho các cháu đi học cũng chưa đầy đủ. Nay mọi thứ đã thay đổi, điện - đường - trường - trạm được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân", ông Lễ phân tích.
Tương tự, Cả sư Đổng Bạ, ở làng Chăm Phước Đồng 2, xã Phước Hậu, vị chức sắc cao tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư địa phương, cho hay những năm qua, đồng bào Chăm luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển.
Người dân vùng dân tộc Chăm trên địa bàn xã Phước Hậu đã đoàn kết thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động; đóng góp công sức, tiền của, hiến đất chung tay cùng Nhà nước xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp và chương trình thắp sáng đường quê phục vụ tốt đời sống nhân dân...
100% các thôn vùng đồng bào Chăm trên địa bàn xã đã có đường giao thông, trạm y tế, điện sinh hoạt, trường học khang trang. Nhiều gia đình xây được nhà ở to đẹp và nuôi con ăn học trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, doanh nhân…
“Với tư cách trụ trì Tháp Pôklong Garai, đảm nhận hoạt động tín ngưỡng tâm linh của gần 4.000 hộ người Chăm, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận động đồng bào đoàn kết thi đua sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư, xây dựng đời sống thôn xóm vùng đồng bào Chăm ngày càng ấm no bền vững”, Cả sư Đổng Bạ chia sẻ.
Có thể thấy, nhờ các chính sách đầu tư hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và tinh thần chủ động thi đua lao động sản xuất của người dân, đời sống của đồng bào Chăm trên địa bàn huyện Ninh Phước ngày càng phát triển cả về vật chất và tinh thần.
Mục tiêu của huyện Ninh Phước đến cuối năm 2025 sẽ có 8/8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 - 2 xã kiểu mẫu và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 79 triệu đồng/năm.
Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Hữu Đức khẳng định, để hoàn thành mục tiêu, huyện sẽ đẩy mạnh lồng ghép, phát huy hiệu quả của các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kêu gọi sự chung tay góp sức từ phía các HTX, doanh nghiệp, các hộ gia đình.
Huyện cũng sẽ tích cực hỗ trợ, phát huy vai trò, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, làng nghề truyền thống để tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Mỹ Chí
Bài 2: HTX tạo cú hích trong sản xuất