Để giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong thời gian qua, các ban ngành chức năng thị xã Ba Đồn đã chủ động triển khai hiệu quả Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo gắn với học tập, tuyên truyền Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn.
Khai thác tốt các thế mạnh
Ông Đinh Thiếu Sơn, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Ba Đồn, cho biết kể từ năm 2015 đến nay, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo thị xã sau khi được kiện toàn đã tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo. Đồng thời, giải quyết và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng ở các giáo xứ, giáo họ.
Đặc biệt, trên cơ sở các chương trình kinh tế trọng điểm, thị xã tiếp tục dành nhiều ưu tiên trong việc đầu tư những dự án phát triển sản xuất tại các địa phương vùng giáo. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường khai thác tiềm năng, thế mạnh hiện có của từng vùng, huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân, phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp...
Ba Đồn đang khai thác tốt thế mạnh để phát triển vùng đồng bào công giáo. |
Điển hình, nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản trên địa bàn vùng giáo thị xã Ba Đồn hiện phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Các địa phương vùng giáo có nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản phát triển mạnh tại địa phương như phường Quảng Phúc có 212 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, xã Quảng Lộc 54 tàu, xã Quảng Văn 39 tàu, phường Quảng Phong 43 tàu và xã Quảng Minh 13 tàu.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào phát triển nghề cá ở Quảng Phúc, một phường ven biển nằm về phía Đông Nam của thị xã Ba Đồn, có tổng dân số xấp xỉ 10.000 người, với gần 90% là đồng bào công giáo.
Xác định đánh bắt và khai thác thủy sản là một trong những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, phường Quảng Phúc đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề cá một cách đồng bộ. Khuyến khích ngư dân đầu tư nguồn vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày, khai thác xa bờ và mở thêm nhiều cơ sở hậu cần thương mại dịch vụ nghề cá…
Để thực hiện có hiệu quả việc vươn khơi bám biển, Đảng bộ phường Quảng Phúc đã ban hành Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2015-2020, trong đó lấy kinh tế biển làm mũi nhọn, lao động xuất khẩu là động lực, tạo tiền đề cho dịch vụ thương mại phát triển.
Nhờ kiên định với chủ trương này, qua 5 năm triển khai, hiệu quả đánh bắt xa bờ của ngư dân đồng bào công giáo trên địa bàn phường đã có chuyển biến ngày càng rõ nét, không ít ngư dân mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu to, máy lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ.
Đơn cử như tại Tân Mỹ, một thôn công giáo, với 390 hộ, trên 2.200 nhân khẩu, đa số các hộ dân trong khu dân cư đều tham gia nghề cá và các dịch vụ hậu cần có liên quan đến nghề cá.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế kinh tế biển, đồng bào công giáo thôn Tân Mỹ đã đầu tư mở ra 15 cơ sở sản xuất, dịch vụ đá lạnh, 5 doanh nghiệp xăng dầu phục vụ tàu thuyền đi biển, và đặc biệt là thành lập 1 HTX chế biến nước mắm công suất xấp xỉ 100 tấn/năm.
Nhờ phát huy lợi thế nghề biển, nên kinh tế của các hộ dân ở Tân Mỹ không ngừng phát triển, nhà cửa ngày càng khang trang, tỷ lệ hộ khá và giàu của khu dân cư cao nhất phường, đạt trên 72%.
Có thể nói, việc đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế nói chung, đầu tư phát triển kinh tế biển nói riêng của đồng bào công giáo ở phường Quảng Phúc đã góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con giáo dân.
Xây dựng khối đại đoàn kết
Bên cạnh việc khai thác các thế mạnh về kinh tế, công tác tôn giáo thị xã Ba Đồn đang hướng mạnh các nguồn lực hỗ trợ để kịp thời giải quyết các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp, tuyên truyền, vận động giáo dân xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”…
Ba Đồn sẽ tiếp tục ổn định vùng đồng bào công giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. |
Cụ thể, đối với các địa bàn vùng giáo khó khăn, thị xã Ba Đồn đã chủ trương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, hệ thống giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn... Nhờ vậy, trên địa bàn thị xã hiện có 100% xã, phường cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu về đời sống, dân sinh của người dân.
Công tác quản lý nhà nước ở một số hoạt động của tổ chức tôn giáo trên địa bàn thị xã cũng được chú trọng hơn, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng, hoạt động của các hội, đoàn trong tôn giáo... Theo đó, các chức sắc và đồng bào có đạo đã có chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động. Đa số tín đồ phấn khởi, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương, hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng những thủ đoạn kích động, lôi kéo một bộ phận tín đồ tôn giáo tham gia các hoạt động chống đối Đảng, Nhà nước.
Trước tình hình đó, đội ngũ làm công tác dân vận cơ sở đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò của mình trong việc ổn định tình hình và tư tưởng người dân. Nhiều cán bộ dân vận đã nhanh nhạy, nắm bắt tình hình, kịp thời có những hoạt động tuyên truyền phù hợp với từng địa phương.
Kết quả, giáo dân trên địa bàn thị xã ngày càng đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cơ quan chức năng phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Ba Đồn, ông Đinh Thiếu Sơn khẳng định, trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác dân vận, nhất là ở vùng đồng bào có đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp thị xã Ba Đồn sẽ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể chính trị, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng mối đoàn kết lương – giáo, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và giáo dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước phát triển kinh tế - xã hội, sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…
Lệ Chi
Bài 2: Khơi dậy sức mạnh từ phong trào phụ nữ