Hình thành và phát triển trên địa bàn xã Đắk Sin (Đắk R’lấp, Đắk Nông) - một xã có đến 40% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, các thành viên HTX Đồng Tiến nhận thấy địa phương còn khó khăn về hạ tầng giao thông nên đời sống người dân và kinh tế khó phát triển. Chính vì vậy, với nguồn thu từ mô hình nuôi lợn khép kín, HTX đã trích một phần để đóng góp kinh phí cùng địa phương xây dựng, mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông.
Lá lành đùm lá rách
Đặc biệt, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của những người nghèo, người nhiễm chất độc da cam, người có hoàn cảnh éo le, HTX luôn tích cực tham gia các chương trình nhân đạo, thiện nguyện, xây dựng nhà tình nghĩa với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào phát triển kinh tế xã hội, chung tay vì cộng đồng.
Có thời điểm, HTX đóng góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ đầu tư đường giao thông nông thôn thuộc thôn 7 với chiều dài gần 1.000m, rộng 3m. Tuyến đường được bê tông hóa đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Bà con là người dân tộc thiểu số nơi đây cũng thoát cảnh mưa lầy, nắng bụi từ con đường đất gập ghềnh, nhiều "ổ trâu, ổ gà" trước đó.
Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa. Hằng năm, trong các dịp tết Trung thu, ngày Đại đoàn kết, HTX đều tham gia hỗ trợ các tổ chức đoàn thể để có kinh phí tổ chức các hoạt động xã hội. HTX hỗ trợ mua bảo hiểm cho các hộ nghèo, cận nghèo để giúp họ phần nào nâng cao chất lượng cuộc sống.
Còn tại HTX Long Hiếu (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, Sơn La), không chỉ dừng ở việc sản xuất, chế biến các loại nông-lâm sản, dược liệu, hàng năm, HTX ủng hộ hàng chục triệu đồng vào các quỹ từ thiện tại địa phương. Đồng thời, HTX thực hiện hỗ trợ người dân giống, phân bón theo hình thức trả chậm nhằm giúp họ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, HTX chè Quang Minh không chỉ phát triển mô hình trồng chè lên tới 200ha kết hợp với chế biến, mà còn mở ra hướng liên kết với doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực da giày.
Hoạt động của HTX Quang Minh đang giúp hơn 1.000 hộ gia đình có công việc, thu nhập ổn định, từ đó đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, thậm chí giúp không ít gia đình đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu chính đáng. Hiện, người lao động, công nhân, thành viên trong HTX có thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, với mong muốn hỗ trợ được thêm nhiều người ổn định cuộc sống, ban giám đốc HTX cùng các thành viên đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương như tham gia các quỹ phúc lợi xã hội, đóng góp vào quỹ vì người nghèo…
Hiệu quả thực chất
Có thể thấy, ngày càng nhiều HTX tích cực tham gia giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp tích cực vào công tác xã hội và thổi bùng lên tinh thần "tương thân, tương ái" tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Ðồng Tiến cho biết, tinh thần tương thân, tương ái luôn là truyền thống tốt đẹp, giúp nhân dân vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động, các thành viên HTX đã xác định sẽ trích một nguồn lợi nhuận cụ thể, khoảng 50 triệu đồng/năm để thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, thiếu thốn vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, xét trong mối quan hệ cộng đồng, đoàn kết, tương thân, tương ái vẫn là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu.
HTX Long Hiếu đã tạo được lòng tin với người dân ở xã Sốp Cộp nhờ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất và tham gia các hoạt động thiện nguyện. |
Đặc biệt ở vùng tôn giáo, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc các HTX nêu cao tinh thần tương thân, tương ái chính là cách truyền đạt hiệu quả về những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Theo đó, HTX không chỉ tập trung vào hỗ trợ thành viên, người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn thể hiện rất rõ vai trò cộng đồng khi tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, bảo vệ môi trường, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức cho người dân về liên kết sản xuất hàng hóa…
Các HTX cũng là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau cùng làm giàu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo các chuyên gia, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện đã thể hiện rõ tinh thần san sẻ trách nhiệm xã hội của các HTX. Hoạt động này cũng là điều kiện thuận lợi để khẳng định giá trị, sự phát triển của các HTX tại địa phương, đồng thời giúp HTX xây dựng mối liên kết chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể, từ đó tạo cơ hội cho HTX trong tiếp cận các chính sách về kinh tế tập thể, nông nghiệp, nông thôn…
Ông Lại Đình Hiến, Giám đốc HTX Long Hiếu, cho biết trước đây nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Sốp Cộp không biết đến mô hình HTX, họ cũng không hiểu HTX là gì nên còn nghi ngại khi tham gia hoặc liên kết với HTX. Tuy nhiên, từ khi tham gia công tác từ thiện, cùng địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, không chỉ các thành viên trong HTX ngày càng đoàn kết hơn mà nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng có thêm niềm tin vào HTX.
Cần sự đồng hành cùng HTX
Bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, chia sẻ là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhiều HTX của Hà Giang đã tạo việc làm cho nhiều lao động mắc bệnh hiểm nghèo, người yếu thế làm những việc phù hợp với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ ăn uống, trả lương theo ngày… Nhiều phụ nữ, bạn trẻ là người dân tộc thiểu số trong thời gian nghỉ hè tại địa phương được các HTX dệt may, HTX làm nông nghiệp sạch, HTX xây dựng… tạo điều kiện cho làm thời vụ để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu diễn ra tác động không nhỏ đến đời sống và tình hình phát triển sản xuất của nhiều người dân. Đặc biệt, việc Việt Nam ngày càng bị cắt giảm các khoản tài trợ, thì việc khu vực kinh tế tập thể, HTX tham gia các hoạt động cộng đồng, từ thiện là việc nên làm vì góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các HTX cũng giống như những doanh nghiệp vừa và nhỏ. HTX có thể tham gia công tác thiện nguyện nhưng vì gặp biến động từ nền kinh tế nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nên có thể sẽ phải dừng hoạt động từ thiện, hỗ trợ cộng đồng.
Hiện tại, nhiều HTX cũng tự đi làm từ thiện, tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng theo nhu cầu của họ, chứ chưa có sự động viên, phổ biến, hướng dẫn từ cơ quan nhà nước về việc này. Điều đó khiến HTX có thể gặp những khó khăn, bất lợi không mong muốn trong quá trình thực hiện.
Chính vì vậy, các địa phương cần phải có chủ trương, giúp các HTX nắm được các quy định pháp luật trong việc làm từ thiện, tham gia các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các HTX trong phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhằm giúp HTX phát triển hiệu quả, từ đó làm nền tảng để HTX phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, bởi chỉ khi HTX “lành” thì mới có thể “đùm được lá rách”.
Còn về phía các HTX, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong việc thực hiện công tác quyết toán tài chính, công khai minh bạch từ trong nội bộ để tạo sự đồng thuận cũng như bảo đảm nguồn kinh phí phù hợp trong làm công tác xã hội.
HTX cũng nên hiểu rằng, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng không có nghĩa là nhất thiết phải đóng góp vật chất, tiền của. HTX có thể tự đóng góp bằng sức lực của mình, ví dụ như HTX làm xây dựng thì có thể điều động thành viên tham gia thi công các công trình từ thiện khác mà vẫn vừa với sức của mô hình kinh tế tập thể.
Tùng Lâm