Vào tháng 4/2023 vừa qua, UBND huyện Chợ Mới đã tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận xã Hòa Bình đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” năm 2022.
Niềm vui đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo nông thôn mới xã Hòa Bình ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63,135 triệu đồng/năm.
Với sự chung sức của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã giúp xã Hòa Bình đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” năm 2022. |
Trong thành quả nêu trên cần ghi nhận những đóng góp tích cực của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, vốn chiếm phần lớn dân số trong xã. Từ những năm trước, khi địa phương kêu gọi đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình đã kết hợp chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm, bà con trong và ngoài xã đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Chị Lê Thị Bé Em (ngụ ấp An Bình, xã Hòa Bình) cho biết, trước đây, đường giao thông trong ấp là đường đất đổ đá, việc đi lại khó khăn, đặc biệt là mùa mưa. Từ ngày Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xây dựng đoạn đường bê tông, giao thông trở nên thuận tiện, người dân đi lại dễ dàng, trẻ em đi học đỡ cực hơn, mua bán, trao đổi nông sản thuận tiện hơn.
Ông Nguyễn Văn Khâm, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình, cho biết Ban Trị sự tham gia cùng chính quyền thực hiện các tiêu chí, đóng góp xây dựng quê hương, kéo gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Theo ông Khâm, Ban Trị sự đề xuất, bàn bạc với Đảng ủy, UBND xã xem xét. Sau đó, thành lập Ban vận động, huy động đóng góp của các nhà hảo tâm, người dân cùng xây dựng. Với cách làm công khai, minh bạch về tài chính, thêm vào đó thấy lợi ích của từng công trình nên khi vận động, bà con nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Có cầu, có đường, con em đi học thuận lợi, bà con đi lại dễ dàng hơn.
HTX cùng góp sức
Trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Bình với sự chung sức của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cũng cần ghi nhận sự phát triển của kinh tế HTX và các mô hình nông nghiệp phát triển theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường.
HTX Nông Thuận Phát có dự án “Nâng cao giá trị hạt gạo từ tay người phụ nữ” ở xã Hòa Bình. |
Nhờ vậy, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của xã ngày càng được nâng lên. Giá trị sản xuất/ha đất không ngừng tăng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội được quan tâm. Công tác giảm nghèo phát huy mạnh mẽ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,90%.
Điển hình như HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát ở ấp An Thuận (xã Hòa Bình) tuy thành lập chưa lâu nhưng với hoạt động hiệu quả đã và đang tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong xã. Với 16 thành viên ban đầu, tiền thân của HTX này là Tổ hợp tác do các thành viên tự nguyện và hợp tác tương trợ lẫn nhau.
Hiện nay, HTX đang hoạt động trong các mảng chế biến và bảo quản rau quả, các sản phẩm từ thịt, thủy sản, điều hành tour du lịch, cung ứng vật tư nông nghiệp… Trong hoạt động của mình, HTX đang có mối liên kết tốt ở khâu tiêu thụ với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Nông Phát Đạt.
HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát được ghi nhận đang tạo sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra cho các thành viên và các nông dân là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong việc phát triển nông sản sạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Năm 2022 vừa qua, HTX Nông Thuận Phát triển khai dự án “Nâng cao giá trị hạt gạo từ tay người phụ nữ” với lộ trình, kế hoạch phát triển rõ ràng, theo từng giai đoạn cụ thể. Từ việc đầu tư nghiên cứu những sản phẩm mới từ hạt gạo lứt tím, đến tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương với thu nhập ổn định, thường xuyên.
Theo chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Nông Thuận Phát, trước đây khi sử dụng gạo lứt tím, chị thấy ngon, sau khi tìm hiểu phát hiện ra nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Từ đó, chị quyết định phát triển theo hướng trồng và cung ứng gạo lứt tím ra thị trường.
Tuy nhiên, khi bán hạt gạo lứt tím thô ra thị trường bị thương lái ép giá, chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Vì thế, chị Hồng đã bàn bạc cùng các thành viên phụ nữ trong nhóm, cũng như trong HTX tìm hiểu, nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại sản phẩm qua chế biến từ gạo lứt tím, như: Bột gạo lứt tím, trà gạo lứt tím, cơm cháy gạo lứt tím, gạo lứt sấy rong biển… Các sản phẩm này được bán rộng rãi ở các tỉnh miền Tây, Tp.HCM và đang mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sống đẹp cả bên đạo lẫn bên đời
Có thể nói, với những mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới được phát huy, nhân rộng, đã giúp cho xã Hòa Bình đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trụ sở của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình. |
Ngoài ra, nhắc đến xã Hòa Bình cũng cần kể thêm về mô hình “2 An” được Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình thành lập từ cách đây 3 năm, đang được duy trì và nhân rộng, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực đến đời sống người dân trên địa bàn. Trưởng ban Trị sự Nguyễn Văn Khâm nhận định, đây là mô hình thực tế, mang lại nhiều phúc lợi cho người dân và bà con tín đồ trong xã.
Thời gian qua, thông qua mô hình này, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động nổi bật, chẳng hạn như lồng ghép tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm và an toàn giao thông tại các buổi thuyết giảng giáo lý.
Bên cạnh đó, Ban Trị sự còn hỗ trợ bà con nghèo, khó khăn như xây cất nhà tình thương, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, tham gia làm đường, xây cầu, giúp đỡ bệnh nhân nghèo nhập viện, hiến máu nhân đạo,...
Trong xã còn có Phòng Chẩn trị Đông y xã Hòa Bình của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trong suốt 20 năm qua giúp đỡ hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn chẳng may đau ốm, bệnh tật, đồng thời phục vụ cơm nước miễn phí.
Các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở xã tâm niệm sống trên đời, ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp. Bản thân mỗi tín đồ đã được học và hiểu rằng, khi có duyên được sống tốt rồi thì cần chia sẻ cái tốt đó cho mọi người, cho những hoàn cảnh bất hạnh, khổ đau hơn. Không chỉ vậy, là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, cùng với việc thực hiện theo đường hướng, lời chỉ dạy của Đức giáo chủ thì mỗi tín đồ còn là một công dân của đất nước, cho nên cần vừa sống đẹp cả bên đạo lẫn bên đời, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thanh Loan