5 năm qua, bức tranh kinh tế huyện Tam Đảo có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Có được điều đó là do các cấp chính quyền đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đi vào thực hiện một cách thực chất là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây được xem là tiền để để huyện Tam Đảo hướng tới mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025.
Tạo sự đồng thuận trong dân
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn tích thực hiện các cuộc vận động triển khai đẩy mạnh sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Điển hình như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình phát triển du lịch cộng đồng và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Mô hình HTX sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc. |
Trong đó, trọng tâm là đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; hiến đất, góp công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường... chung tay xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, trong 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: Quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, đặc biệt thu nội địa luôn đứng ở tốp đầu cả nước và thứ hạng cao của miền Bắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển…
Điển hình như tại huyện Tam Đảo có hơn 42% người dân là dân tộc thiểu số, có cả đồng bào theo đạo Thiên chúa và Phật giáo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chính vì vậy, đồng bào các dân tộc ngày càng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Nhờ đó, đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao và đời sống vật chất cũng ngày càng được cải thiện.
Đoàn kết phát triển kinh tế
Nhiều năm trở lại đây, các cấp chính quyền đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người nông dân huyện Tam Đảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển hơn.
Trong đó, các tổ hợp tác, HTX thu hút và kết nối các thành viên để tổ chức triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung và thực hiện hỗ trợ linh hoạt, như hỗ trợ giống lúa năng suất cao, phân bón... kết hợp với tập huấn khuyến nông, tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất. Từ đó góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có những chuyển biến tích cực, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
![]() |
Đời sống người dân ngày càng nâng cao nhờ phát triển mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Đồng thời, các tổ chức thành viên của MTTQ đứng ra làm tốt công tác nhận ủy thác cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ví dụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ đứng ra nhận ủy thác cho gần 90 hộ hội viên vay vốn với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh doanh, nhà hàng, khách sạn....
Bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Tam Đảo cho biết, từ hiệu quả của những phong trào và các cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế đã góp phần tăng mức thu nhập hàng năm của người dân thị trấn từ 68 triệu đồng (năm 2014) lên hơn 120 triệu đồng (năm 2020), hơn nữa, nhiều năm thị trấn Tam Đảo không còn hộ nghèo.
Gia đình chị Lưu Thị Năm, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Lưu Quang, xã Minh Quang - nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 55% dân số, là một trong những điển hình về vượt khó, vươn lên làm ăn kinh tế. Trước đây, gia đình chị chỉ trồng ngô, trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp nên đời sống khó khăn, thuộc hộ nghèo trong vùng. Được cán bộ địa phương động viên, tạo điều kiện vay vốn, tập huấn kiến thức, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi diện tích hơn 5.000 m2 đất trồng màu kém hiệu quả sang nuôi 100 con lợn bột, 50 lợn nái và 4.000 gà ta lai. Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình đạt 200 triệu đồng/năm.
Để có được kết quả như hôm nay, lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo cho biết, là do tập trung tuyên truyền nên đã gắn kết được tinh thần đoàn kết của người dân từ dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo... đã hiểu được phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và đi vào thực hiện một cách thực chất. Trong quá trình triển khai, đến nay đã có không ít tấm gương, mô hình kinh tế hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm do đồng bào đồng bảo dân tộc làm chủ như mô hình trồng rau su su ở xã Hồ Sơn, cây dược liệu ở xã Đạo Trù, chăn nuôi bò sữa ở xã Bồ Lý, chăn nuôi gà ở xã Tam Quan…
Hoàng Hà
Bài 2: Điểm sáng từ khu vực kinh tế HTX