Từ nay đến năm 2025, huyện Xuân Lộc đã và đang triển khai đề án phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Trong đó, có việc phát triển chuỗi liên kết rau quả theo mô hình kinh tế hợp tác.
Lo ổn định đầu ra
Đến nay, toàn huyện đã có 11 dự án chuỗi liên kết hình thành, trong đó có 6 dự án chuỗi liên kết đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt do HTX làm chủ đầu tư. 6 dự án chuỗi liên kết của HTX sẽ đầu tư từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Địa phương đang thực hiện thêm 4 dự án mới về liên kết chuỗi đối với các sản phẩm rau quả như: Xoài, bưởi, quýt và rau.
Trước đó là các dự án chuỗi liên kết bắp, lúa của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến; dự án chuỗi liên kết sầu riêng của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; dự án chuỗi liên kết xoài của HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn...
Theo đánh giá, hầu hết các chuỗi liên kết tại huyện Xuân Lộc đều có sản phẩm rau quả chất lượng cao, thu hút sự đầu tư hợp tác của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Như chuỗi liên kết xoài của HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn (xã Xuân Hưng), theo Giám đốc HTX Nguyễn Thế Bảo, việc bắt tay liên kết với DN là hướng đi để gỡ bài toán khó trong tiêu thụ.
Thời gian qua, HTX đã ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu hoặc cung cấp hàng đến tận DN đưa vào các nhà máy chế biến ở miền Trung và miền Bắc mà không phải qua các khâu trung gian khác.
Phía HTX cũng ý thức được việc để quả xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần qua rất nhiều công đoạn, từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… Và những công đoạn này cũng rất cần sự liên kết chặt chẽ với DN.
HTX xoài Suối Lớn mong liên kết DN để gỡ bài toán khó trong tiêu thụ (Ảnh: Tư liệu) |
Với kênh tiêu thụ nội địa, ông Bảo cho biết phía HTX có liên lạc với nhiều hệ thống siêu thị nhưng đa phần họ chỉ đặt mua với số lượng ít, giá cả thu mua lại chưa ổn định. HTX vẫn mong muốn đơn hàng cần có giá trị lớn, ổn định với khoảng 3 tấn/ngày thay vì các hợp đồng khoảng 100-200kg/ngày như các siêu thị đề xuất.
Còn ở HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi (xã Xuân Bắc), nhờ có chuỗi liên kết nên thời gian qua, đầu ra cho cho trái cây khá ổn định. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá cả và đầu ra trái cây của HTX khá khó khăn.
Giám đốc HTX Lại Hồng Chí cho biết vài tháng qua, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 6.000 - 7.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với khi đang thời điểm xuất khẩu tốt là 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Cần thêm chính sách tiếp sức
Hiện, xoài của HTX Đồi Sabi bắt đầu vào chính vụ thu hoạch nhưng đã gặp cảnh tồn hàng, rớt giá nên khi vào lúc thu hoạch rộ lại càng đáng lo hơn. Theo ông Chí, mùa thu hoạch này, cả HTX ước tính sản lượng 500 tấn xoài tươi. Nhưng kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xoài Đài Loan vẫn giữ ở mức giá thấp, ngoài ra xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi cũng đều chậm hơn nhiều so với mọi năm.
Ở huyện Xuân Lộc, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực với diện tích hiện nay khoảng 380 ha, tập trung nhiều tại 2 xã Xuân Định và Bảo Hòa.
Trong đó, HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định là một điển hình về phát triển chuỗi liên kết, từ cách đây 4 năm đã được tỉnh Đồng Nai chọn triển khai thực hiện Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ vào chuỗi liên kết, các năm trước, đầu ra cho quả sầu riêng của HTX khá ổn định. Dự án đã tạo mối liên kết bền vững giữa người nông dân với HTX Xuân Định và DN tiêu thụ, từ đó giúp các hộ trong vùng dự án giảm áp lực đầu vào, đồng thời yên tâm với đầu ra của sản phẩm, không còn bị tư thương ép giá.
Xuân Lộc có nhiều trái cây đặc sản và đang rất cần liên kết khâu chế biến, tiêu thụ (ảnh: TV) |
Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đầu ra của HTX gặp thách thức lớn. Trong việc phát triển chuỗi liên kết rau quả, bà Đặng Thuý Nga, Giám đốc HTX Xuân Định, mong rằng thời gian tới, HTX sẽ có nhiều kết nối hơn với các nhà chế biến đầu tư vào địa phương để giá trị của quả sầu riêng được nâng cao và đầu ra được tốt hơn.
Có thể nói, để làm lớn chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau quả ở huyện Xuân Lộc với vai trò của HTX rất cần có thêm những cơ chế, chính sách được ban hành nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển mô hình này. Đặc biệt là cần ổn định đầu ra, đầu tư thêm khâu chế biến để nâng giá trị các loại trái cây thế mạnh của huyện.
Điều quan trọng là cần có sự hỗ trợ và tạo chuỗi liên kết vững chắc giữa nông dân, HTX trong huyện với DN nhằm cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, nên có các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sản xuất, tiếp sức cho nông dân huyện Xuân Lộc phát triển theo mô hình chuỗi liên kết.
Thanh Loan