Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, kể từ năm 2010 đến nay, huyện luôn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, lấy ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, làm tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Với 23 dân tộc cùng chung sống, Krông Păk trong những năm gần đây nổi lên là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk. Hiện, sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đang hoàn tất các thủ tục đăng ký thương hiệu, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
![]() |
Nông dân Krông Pắc đang thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả. |
Sở hữu vườn sầu riêng quy mô hơn 150 gốc, ông Y Guk Bkrông, người dân tộc Ê Đê, xã Ea Phê, chia sẻ trước đây, cây sầu riêng thường được trồng xen trong vườn cà phê, tuy nhiên thời gian gần đây, các hộ dần chuyển hướng sang trồng thuần, với sự đầu tư mạnh hơn cho khoa học – kỹ thuật.
Sầu riêng Dona và Ri6 là hai giống chất lượng cao được các hộ sản xuất lựa chọn trồng nhiều nhất. Khoảng gần chục năm trở lại đây, với giá bán bình quân ở mức 40.000 – 80.000 đồng/kg, cây sầu riêng trở thành cây thoát nghèo, làm giàu bền vững của người dân trên địa bàn huyện.
“Sự đồng hành của ngành nông nghiệp địa phương trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật trồng đa canh, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa,… là nền tảng giúp đồng bào dân tộc Ê Đê ở buôn Puân A nói riêng và xã Ea Phê nói chung vươn lên thoát nghèo”, ông Y Guk Bkrông nhấn mạnh.
Tương tự, gia đình ông Y Khiêm Niê, buôn Yung 2, xã Ea Yông, hiện có gần 80 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê đang trong kỳ thu hoạch. Năm 2021, ước sản lượng đạt khoảng hơn 14 tấn, với giá bán thấp nhất là 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông cũng "bỏ túi" trên 100 triệu đồng, chưa kể cây cà phê.
Ông Y Khiêm Niê cho biết năm 2004, được sự hỗ trợ từ địa phương, gia đình ông bắt đầu trồng xen giống sầu riêng Dona vào vườn cà phê mục đích vừa để tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất vừa làm cây che bóng cho cây cà phê.
Thời kỳ đầu, cây sầu riêng chỉ là “kép phụ”, nhưng từ năm 2013 đến nay, việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất như tưới tiết kiệm, áp dụng quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện môi trường… giá trị cây sầu riêng liên tục được nâng lên, hiện đã gấp 3 – 5 lần cây cà phê truyền thống.
Phát huy các thế mạnh
Những thay đổi trong tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm đang giúp đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Pắc ngày càng được cải thiện, qua đó đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp.
![]() |
Huyện sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh theo vùng, hình thành chuỗi giá trị. |
Cùng với người Ê Đê, người Nùng cũng đang là một trong những đồng dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi trên vùng đất đỏ Krông Pắc. Người dân tộc Nùng chủ yếu di cư từ miền Bắc vào Tây Nguyên “vỡ đất làm ăn”, được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nhiều chính sách ưu đãi để bảo đảm cuộc sống.
Ông Lương Văn Sáng, thôn 6, xã Ea Phê, cho biết đồng bào Nùng trước đây được chia đất sản xuất, đất ở, những năm gần đây còn được Nhà nước cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ làm đường giao thông để thuận tiện cho giao thương, trao đổi hàng hóa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện, trường học đến tận từng thôn.
“Đến nay, nhờ các chính sách hỗ trợ của địa phương, đời sống kinh tế, tinh thần của chúng tôi được nâng lên đáng kể. Không chỉ phát triển kinh tế riêng lẻ, các hộ còn liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ để phát triển sản xuất lớn, đưa sản phẩm nông sản chất lượng cao như sầu riêng, rau củ, nấm hữu cơ… đi khắp nơi”, ông Sáng phấn khởi nói.
Nhờ kinh tế ổn định, những hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Nùng đã dần được loại bỏ như: hủ tục ma chay, cưới hỏi rình rang, kéo dài… Thôn 6 có hơn 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tỷ lệ nghèo giảm còn xấp xỉ 2,5%.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, ông Trần Hồng Tiến cho biết trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp chiếm hơn 50% giá trị sản lượng.
Những năm gần đây, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhiều hộ nông dân trong huyện vẫn có thu nhập ổn định từ cây ăn trái, đặc biệt là cây sâu riêng.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học – kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Chủ động hỗ trợ, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, để hình thành liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Bài 2: Điểm tựa bứt phá từ các HTX
Hưng Nguyên