Cùng với các khu nông nghiệp hiện đại, hàng loạt HTX trên địa bàn huyện Cư M’gar đang khẳng định dấu ấn đậm nét trong sản xuất kinh doanh, như: HTX Nông nghiệp bền vững và Dịch vụ Tiến Thành, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Phú Khang, HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại Phúc, HTX nông nghiệp Bình Minh…
Liên kết sản xuất lớn
Cây bơ được nông dân huyện Cư M’gar đưa vào trồng từ nhiều năm trước, nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh. Nếu trước đây, bà con chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho gia đình, thì nay nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng bơ thương phẩm.
Bơ đang là cây thế mạnh, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Cư M'gar. |
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha bơ (chiếm hơn 60% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn), trong đó có 700ha bơ booth. Cây bơ chủ yếu được trồng xen canh trong các vườn cà phê, tập trung tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Cư Dliê M’nông, Cư Suê, Ea Kpam, Quảng Hiệp...
Để liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, ổn định đầu ra, nâng giá trị sản phẩm, năm 2017, một số hộ trồng bơ trên địa bàn đã cùng nhau thành lập HTX bơ Cư M’gar, tổ chức trồng, chăm sóc hơn 100 ha bơ booth và bơ sáp trên địa bàn các xã Quảng Tiến, Ea Kpam, Ea Tar, Ea H’đinh...
HTX bơ Cư M’gar được thành lập với mục đích hỗ trợ các thành viên trong sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, trên cơ sở quản lý và giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị.
Sau 4 năm hoạt động, cùng với sự đồng hành của địa phương, HTX đang trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho nhiều thành viên, hộ liên kết, trong đó có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đơn cử, anh Ya Kliê, dân tộc Ê Đê, ở xã Cư Dliê M’nông chia sẻ, trước đây, gia đình anh chỉ độc canh cây cà phê, ban đầu hiệu quả khá cao, nhưng sau đó biến đổi khí hậu khiến năng suất cà phê ngày càng giảm, thị trường lại thiếu ổn định.
Năm 2018, khi được HTX bơ Cư M’gar hỗ trợ, anh Ya Kliê chủ động trồng xen canh cây bơ trên diện tích 2 ha cây cà phê, đồng thời ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc, thu hoạch, qua đó nâng cao đáng kể giá trị sản xuất.
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, diện tích trồng cà phê xen canh bơ sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30-50% so với độc canh cà phê. Bây giờ, tiền bán cà phê dành cho các chi phí sản xuất, còn lại tiền thu từ bơ xem như lãi ròng”, anh Ya Kliê cho hay.
Phát huy các thế mạnh
HTX nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh, xã Cư Suê cũng đang là một điển hình trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa huyện Cư M’gar. Được thành lập từ năm 2016, đến nay, HTX đang có 27 thành viên là người Dao, trong đó có 17 người có trình độ đại học, cao đẳng với các chuyên ngành khác nhau.
Các HTX đang tạo đà giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, làm nghèo từ những cây thế mạnh của địa phương. |
Chị Triệu Thị Châu, dân tộc Dao, người sáng lập HTX cho biết, HTX Bình Minh hiện có hơn 100 ha cà phê trồng xen canh hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Vụ thu hoạch năm 2020, HTX đã thu về sản lượng cà phê xấp xỉ 165 tấn, bơ 35 tấn, sầu riêng gần 100 tấn, tiêu 155 tấn…
Nhiều vườn tiêu trước đây sản xuất theo kiểu “nhờ trời”, năng suất chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, đến nay đã được nâng lên 2,5 - 3 tấn/ha. Thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập tại Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, các trí thức trẻ người Dao trong HTX còn hướng dẫn thành viên, nông dân liên kết lắp đặt hệ thống ống tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong vườn cây.
Toàn bộ sản phẩm cà phê của nông dân trong HTX Bình Minh sau khi thu hoạch được phơi sấy theo quy trình khoa học nên được nhiều khách hàng tin cậy đặt mua. Hiện nay, HTX đang mở rộng thêm dịch vụ sấy cà phê, mở đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm nông nghiệp, tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái…
Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, thu nhập bình quân của mỗi hộ thành viên HTX đạt từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ô tô và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Theo lãnh đạo UBND xã Cư Suê, HTX Bình Minh với nòng cốt là các tri thức trẻ đã và đang tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần thay đổi tập quán, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Với sự đồng hành của HTX, người dân trên địa bà xã Cư Suê, với gần 70% là người dân tộc thiểu số, đã tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất của xã trong tương lai.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar, đánh giá thời gian qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều HTX đã mang lại hiệu quả cao, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành kinh tế ở địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững.
Đáng chú ý, một số HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm theo chứng nhận 4C, FLO, UTZ... tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Các HTX đã tập trung vào sản phẩm chủ lực của huyện, phát huy được lợi thế cạnh tranh về lao động, nguyên liệu, sản xuất sản phẩm có chứng nhận…, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hoạt động của một số HTX ở huyện Cư M’gar vẫn còn gặp khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, vấn đề tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp, năng lực của cán bộ ở các HTX còn hạn chế...
Để phát huy hiệu quả của các HTX, thời gian tới, huyện Cư M’gar sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế phù hợp với từng mô hình HTX, quan tâm vấn đề xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Về lâu dài, một mặt huyện nỗ lực nâng cao trình độ cán bộ quản lý trong lĩnh vực này, mặt khác đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn về quỹ đất cho HTX, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được các chính sách của Nhà nước…
Nhật Minh