Với bà con dân tộc thiểu số ở Đak Đoa, việc phát triển cây trồng, trong đó có cây cà phê từ nhiều năm qua vẫn theo lối truyền thống, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu diễn ra phổ biến, gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng đến giá trị canh tác.
Chuyển đổi cây trồng, sản xuất hữu cơ
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, trong thời gian qua, nhiều diện tích cà phê của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã dần được chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, trên cơ sở áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng đến xây dựng một vùng trồng và chế biến cà phê sạch.
Các HTX đang có đóng góp tích cực trong việc nâng cao giá trị các cây trồng thế mạnh ở huyện Đak Đoa. |
Với diện tích 1,5 ha cà phê, anh Kli Sô, người Bahnar, xã Glar, huyện Đak Đoa, chính thức tham gia sản xuất theo chuẩn UTZ (tiêu chuẩn quốc tế về trồng cà phê sạch) từ năm 2019 với sự hỗ trợ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh, giúp năng suất, chất lượng hạt cà phê tăng mạnh so với những năm trước đây.
Anh Kli Sô chia sẻ: “Trước đây khi làm theo phương thức cũ, ai biết sao làm vậy khiến năng suất cà phê rất thấp, 1 ha chỉ cho khoảng 1 - 1,2 tấn nhân (hạt). Vào HTX, phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, với quy trình kỹ thuật khoa học, năng suất có thể tăng gấp đôi, gấp ba, đạt 2,7 – 3,5 tấn/ha”.
Giống như anh Kli Sô, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Glar đang “đổi đời” sau khi trở thành thành viên, hộ liên kết của HTX Lam Anh và phát triển cà phê theo hướng hữu cơ.
Tham gia HTX, các hộ được trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và thay đổi tập quán canh tác ngay trên vườn cà phê của mình. Đặc biệt, việc được HTX bao tiêu sản phẩm giúp các hộ sản xuất không còn phải lo lắng với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như trước đây.
Hiện, phong trào chuyển đổi phương thức sản xuất cà phê sạch theo xu hướng bền vững đang được nhân rộng, số hộ người dân tộc thiểu số tham gia ngày càng tăng lên, nhất là khi HTX Lam Anh đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ.
Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX đã thành lập 3 tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại các xã Glar, A Dơk và Trang. Bên cạnh 19 thành viên chính thức, HTX còn có thêm 31 hộ liên kết tham gia chương trình, với tổng diện tích cà phê trên 70 ha.
Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Lam Anh, cho hay: “Trên nền tảng các vườn cà phê đã thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất sạch, năm 2020, HTX chú trọng triển khai chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, thu hút đông đảo nông hộ tham gia, trong đó số hộ người Bahnar chiếm tới 70%”.
Mục tiêu lâu dài của HTX là xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia tăng năng suất, chất lượng cà phê, đảm bảo giá đầu ra cao hơn cho thành viên và nông dân liên kết. HTX hướng đến sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các hộ sản xuất nhận đúng giá trị tương xứng với công sức bỏ ra.
Tạo điểm tựa vững vàng
Sự đồng hành của HTX nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong trong xây dựng và phát triển mô hình cà phê 4C cũng đang mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đak Krong, huyện Đak Đoa trong những năm qua.
Thành viên HTX Đak Krong bên vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. (Ảnh Int). |
Niên vụ cà phê 2020 - 2021, anh A Nưk, làng Đak Mong, thành viên HTX Đak Krong, đưa 6 ha cà phê vào sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Anh Nưk dự tính, mỗi ha sẽ thu bình quân 3 - 5 tấn cà phê nhân chất lượng cao.
Theo anh A Nưk, trước đây, anh thường mua thuốc diệt cỏ về phun theo lịch trình 3-4 tháng/lần. Khi vào HTX, tham gia mô hình sản xuất cà phê sạch, anh không còn sử dụng thuốc diệt cỏ nữa, thay vào đó mỗi tháng, gia đình tiến hành phát cỏ 2 lần.
Nhờ nắm bắt tốt kỹ thuật chăm sóc, vườn cà phê của gia đình anh Nưk phát triển ổn định hơn, năng suất theo đó cũng tăng lên. Đặc biệt, nhờ HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 1,5 – 2 triệu đồng/tấn nên gia đình anh yên tâm sản xuất.
Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Đak Krong cho biết, thành công ấn tượng của các hộ sản xuất điểm đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp HTX gia tăng sức hút với các hộ trồng cà phê tại địa phương.
Xuất phát điểm với chỉ 13 hộ khi thành lập vào năm 2018, đến nay HTX đã thu hút được 185 thành viên, hộ liên kết, 40% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt trên 320 ha.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa, những năm qua, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã từng bước được củng cố, tăng về số lượng và quy mô hoạt động. Ngoài ra, các đơn vị đã áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và liên kết tạo ra chuỗi giá trị bền vững.
Toàn huyện hiện có trên 10 HTX nông nghiệp và thủy sản hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa.
Nhiều HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để cùng sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như HTX nông nghiệp dịch vụ Tân Bình, xã Tân Bình.
Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Tân Bình, cho biết ngoài 3 sản phẩm hồ tiêu, năm 2020, HTX có thêm sản phẩm cà phê rang xay Đak Yang được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tất cả các sản phẩm sau khi được công nhận thì thị trường tiêu thụ đều mở rộng gấp đôi so với trước.
Để tiếp tục phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, đào tạo nhân lực, hướng dẫn các HTX đổi mới tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, huyện sẽ tập trung củng cố các HTX yếu kém, giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả, lựa chọn những HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng mô hình điểm để tạo sức lan tỏa, thu hút người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tham gia.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Nhật Minh
Bài cuối: Dạy nghề, tạo sinh kế bền vững