Sau gần 10 năm nỗ lực, diện mạo nông thôn mới xã Ea M'dróh đang có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà ván mục nát trước đây đã dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây rộng rãi hiện đại, những con đường đất ngày nào giờ cũng đã được bê tông hóa, cứng hóa.
Điểm sáng… buôn Cháy
Xã Ea M'dróh có 1.788 hộ gia đình với 8.245 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 60%. Ít ai nghĩ rằng vài năm trước đây, Ea M'dróh là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất trên địa bàn huyện Cư M’gar.
Đời sống của người dân ở buôn Cháy đang khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, nhờ hiệu quả của các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, xã Ea M'dróh chỉ còn 109 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,1% (giảm 460 hộ so với năm 2015).
Kết quả hiện tại đã phản ánh thực chất sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là trong việc đầu tư triển khai kịp thời và đồng bộ các chương trình, dự án trong công tác giảm nghèo, cùng với đó là ý thức, ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên trong phát triển kinh tế của đồng bào nơi đây.
Buôn Ea M’droh đang là điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Ea M'dróh. Người Ê Đê gọi vùng đất này là “buôn Cháy”, bởi trong kháng chiến bị Mỹ phóng hỏa thiêu rụi.
Theo các già làng, ngày đất nước thống nhất, 36 hộ dân tìm về xây dựng lại buôn cũ. Lúc bấy giờ, buôn đã trở thành vùng đất hoang, cây cối um tùm. Người dân cùng nhau cắt tranh, tre nứa dựng nhà, chia nhau vào rừng đào củ mài, khai hoang đất sản xuất rồi đến các buôn khác xin hạt giống gieo trồng...
Những nỗ lực của người dân, cùng sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, “buôn Cháy” ngày nào nay đã bừng sức sống. Toàn buôn hiện có 265 hộ, với 1.057 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Ê Đê, nhưng chỉ còn 16 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.
Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm khẳng định, buôn Cháy được như bây giờ là nhờ sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước ngay từ những ngày đầu mở lại buôn.
Năm 1990, bộ đội Đắk Lắk cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con dựng cho 66 ngôi nhà sàn gỗ và 33 giếng nước, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất cây trồng cao hơn.
Huyện, xã tổ chức nhiều chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đồng bào từng bước áp dụng công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu cho giá trị kinh tế cao.
Với những thành công đang có, người dân “buôn Cháy” Ea M’droh vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức chung lòng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc.
Xã Ea M’droh cũng đang chủ trương xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống, con người ở vùng đất cách mạng. Hiện, buôn đang xây dựng nhà tưởng niệm căn cứ cách mạng, sắp tới sẽ xây dựng lại bến nước truyền thống của đồng bào Ê đê và bảo tồn 58 căn nhà dài bộ đội làm cho dân.
Xây dựng đời sống mới
Không chỉ có “buôn Cháy”, mà nhiều buôn làng khác ở Cư M’gar đang vươn lên mạnh mẽ. Thôn 2, xã Ea Tar, là một trong những khu dân cư tiêu biểu được UBND huyện Cư M'gar xét công nhận 5 lần đạt danh hiệu thôn văn hóa.
Nông thôn mới đang cải thiện cả về vật chất và tinh thần của người dân Cư M'gar. |
Ông Trần Văn Biên, Bí thư Chi bộ thôn 2, không giấu được niềm vui về những đổi thay của địa phương. Toàn thôn hiện có 141 hộ gia đình, 680 nhân khẩu, 2/3 là người dân tộc thiểu số. Cũng như các thôn, buôn khác trên địa bàn xã, thu nhập chính của bà con thôn 2 chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng chính như cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả, và phát triển chăn nuôi.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp, đến nay đời sống kinh tế của bà con trong thôn đã có sự phát triển vượt bậc.
Hiện, thôn 2 có khoảng 80% số hộ gia đình có điều kiện kinh tế từ trung bình khá trở lên. Đời sống ngày càng được nâng cao, bà con trong thôn đã tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2018 đến nay, bà con thôn 2 đã tham gia đóng góp gần 930 triệu đồng để bê tông hóa và cấp phối đá dăm được 2,4 km đường giao thông nội vùng và xây dựng hội trường sinh hoạt thôn. Đồng thời, bà con còn tự nguyện đóng góp 100% kinh phí để xây lắp tuyến đường điện chiếu sáng ở tất cả các tuyến đường trong thôn…
Ông Trần Văn Biên cho biết thêm, trước đây bà con gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao thương với bên ngoài, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bặm. Khi chưa có đường điện thắp sáng, đi lại vào ban đêm rất khó khăn, an ninh trật tự không được đảm bảo.
Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con trong thôn đã tự nguyện đóng góp vốn, hiến đất để làm đường giao thông được thuận tiện hơn, hoạt động giao thương thuận lợi.
Theo ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, với đặc thù của một huyện miền núi, thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau thông qua các chương trình, dự án, đề án, huyện đã đầu tư nhiều tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, bảo tồn văn hóa…
Các chương trình, chính sách dân tộc đều được triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chủ trương xuyên suốt và ưu tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước nhằm giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhật Minh
Bài cuối: Cú hích từ kinh tế hợp tác