Cooperatives | Thứ tư, 30/11/2022 | 07:43 GMT+7
0 |

Phát triển kinh tế hợp tác vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Liên minh HTX Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX, 70% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 2 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 7 - 10%.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 14 triệu người, trên 3,3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Do địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Cụ thể, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% tổng số hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng...

Ví dụ về phân bổ thành phần dân tộc tại xã Nua Ngam, huyện ĐIện Biên, tỉnh Điện Biên

Với diện tích chiếm tới 3/4 lãnh thổ trên cả nước, vùng dân tộc, miền núi Việt Nam là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp và đóng vai trò chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Vì thế, việc đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hội nhập miền núi với sự phát triển của cả nước.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có 12.000 HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% HTX cả nước, thu hút khoảng 4 triệu thành viên (chưa tính các tổ hợp tác). Có 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Các HTX vùng DTTS và miền núi đã tích tụ, tập trung được hơn 1 triệu héc ta đất để sản xuất quy mô lớn, hiệu quả hơn.

Vai trò, hoạt động của HTX là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của rừng vùng miền, địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hai mô hình kinh tế tập thể phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình, ở huyện Quế Phong (Nghệ An), nhiều HTX đã khẳng định được vai trò của mình. Như HTX nông nghiệp, dịch vụ Hủa Na (huyện Quế Phong), theo chia sẻ của ông Lang Văn Mão - Giám đốc HTX, từ sản xuất đơn lẻ và quy mô nhỏ, mỗi hộ chỉ có ít lồng cá, sau khi thành lập HTX vào năm 2019, các hộ dân tham gia vào HTX được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn để thụ hưởng chính sách lồng nuôi từ Nhà nước, đặc biệt là tìm mối đầu ra cho con cá; các hộ dân là thành viên HTX đã đầu tư thêm lồng nuôi, hộ ít nhất là 10 lồng, hộ nhiều nhất là 70 lồng và từ 20 thành viên nay phát triển lên 32 thành viên. Từ chỉ biết làm nương rẫy và đánh bắt cá trên các dòng suối và lòng hồ thuỷ điện Hủa Na, nhiều hộ dân đang chuyển sang nuôi cá hàng hoá (gồm cá leo, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ, cá trắm, cá bọp, cá vược…), đem lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình. Thị trường tiêu thụ cá của HTX, không chỉ trong nội huyện mà còn có mặt ở huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh.

Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nhật Minh (Nghệ An), từ việc áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap đã đưa con lợn đen địa phương có giá trị kinh tế cao hơn và lan toả rộng hơn, đi vào các nhà hàng, siêu thị. Hay thông qua hoạt động của HTX Sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong đã góp phần hình thành kênh tiêu thụ các sản phẩm mây tre dan, dệt thổ cẩm và đặc biệt là các dược liệu do đồng bào sản xuất. Theo bà Sầm Thị Yến – Giám đốc HTX, trước đây khi chưa có HTX, các sản phẩm lá, rễ cây rừng được đồng bào khai thác cũng chỉ phục vụ cho các thương lái thu mua phục vụ cho hoạt động đông y gia truyền hoặc tự tiêu tại địa phương. Nhưng từ khi HTX thành lập và được huyện tạo điều kiện mở quầy hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của huyện, thì nhiều dược liệu vùng đất Quế như chè hoa vàng, rễ cây mú từn, nấm linh xanh, cà gai leo, cỏ máu, chuối hột rừng…, đã vượt không gian, vươn tới các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở huyện Con Cuông (Nghệ An), theo chia sẻ của ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện, trên địa bàn hiện có 37 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó đã có một số HTX đã xây dựng được sự kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên, như: HTX cây con xã Chi Khê; HTX dịch vụ ăn uống du lịch cộng đồng, bản khe Rạn; HTX mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê... Đặc biệt, ở HTX Dược liệu Pù Mát sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, trồng cây nguyên liệu đến sơ chế, chế biến thành các sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ, gồm trà dược liệu túi lọc và cao cà gai leo, dây thìa canh; trà hoà tan dây thìa canh, cà gai leo; trà dược liệu giảo cổ lam. HTX hiện thu hút 89 thành viên là các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất với diện tích hơn 15 ha nguyên liêu và mục tiêu trong năm 2022 này tiếp tục mở rộng lên 32 ha với 120 thành viên tại 7 xã trên địa bàn huyện.

Các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc DTTS và miền núi; thực hiện hoàn thành các mục tiêu KT-XH được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những năm qua, kinh tế tập thể, HTX phát triển rộng khắp, góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò KTTT ở những địa bàn này vẫn cần nhiều việc phải làm.

Hai năm gần đây, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam xác định phát triển HTX tập trung vào địa bàn vùng dân tộc miền núi vì đây là vùng giàu tiềm năng để phát triển các HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi, du lịch…

Đặc biệt, HTX hiện nay là thành phần kinh tế quan trọng tác động đến sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Như ở các vùng biên giới ở Sơn La hiện nay đã có 126 HTX hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là các HTX cây ăn quả sản xuất theo quy mô lớn để thực hiện xuất khẩu, từ đó thúc đẩy kinh tế nông lâm nghiệp tại địa phương và nâng cao đời sống cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, HTX vùng đồng bào DTTS rất đa dạng, nhưng trong thời gian tới, các mô hình HTX nông nghiệp, thương mại, du lịch cộng đồng sẽ rất thích hợp phát triển ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vì vùng này có những thế mạnh về nông, lâm nghiệp, văn hóa bản địa, từ đó thúc đẩy thương mại và du lịch.

Để hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao đời sống, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể cho toàn khóa và trước hết là năm 2022, đồng thời rà soát 3434 xã dân tộc thiểu số để phát triển các tổ hợp tác, HTX. Liên minh HTX Việt Nam cho biết, ở địa bàn này, bước đi cần từ thấp đến cao, nên xây dựng các tổ hợp tác sau đó phát triển thành các HTX sẽ giúp KTTT phát triển bền vững hơn và đời sống nhân dân được nâng cao từng bước.

Được biết, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng chỉ rõ, “thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”.

Để hiện thực các Nghị quyết nói trên, Liên minh HTX Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia HTX, 70% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 2 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 7 - 10%. Đến năm 2030, thu hút hầu hết hộ cá thể vùng dân tộc thiểu số và miền núi tham gia tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; 85% HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của thành viên HTX tăng 3 lần so với năm 2020, đóng góp của kinh tế tập thể, HTX vào GRDP vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 10-12%.

Nhiều sản phẩm từ trước đến nay vốn chỉ tự cung tự cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, bày bán thủ công như thảo quả, chè, quế, hồi, măng, gỗ ép, tinh dầu… nay đã được đưa lên kệ hàng các siêu thị, lên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tham gia vào chuỗi OCOP (Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm tiêu biểu) để xuất khẩu cả ra nước ngoài. Trong chuỗi cung ứng ấy, các HTX vùng dân tộc thiểu số đang chính là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành các địa chỉ tin cậy không chỉ cho các thành viên mà còn là địa chỉ uy tín cho các thương hiệu nông lâm sản tại các địa phương.

Hoa Thanh

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu