Đưa cây rừng về vườn nhà trồng
Ngôi nhà của gia đình anh Đặng Văn Hương, ở bản Na Lang, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn nằm lọt thỏm giữa đồi cây xanh tươi. Trong câu chuyện của mình, người đàn ông dân tộc Dao hào hứng nói về cây trà hoa vàng và quá trình gian nan đưa loài cây rừng này về trồng tại đất vườn nhà.
Anh Hương cho biết, trà hoa vàng vốn là loài cây sống trong rừng già, có giá trị kinh tế cao khi chế biến làm dược liệu. Vào những năm 2010, nhiều thương lái là người Trung Quốc lặn lội hàng trăm cây số đến tìm mua hoa và cây trà rừng hoa vàng ở địa phương.
Qua tìm hiểu, anh Hương nhận thấy giá trị từ cây trà hoa vàng, nhất là giống trà hoa vàng bản địa rất cao. Đây là loại cây mọc tự nhiên ở vùng rừng núi của xã và một số địa phương khác, giống trà hoa vàng có sức đề kháng tốt, bông to, ra nhiều hoa.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân đã săn lùng, đào cây và thu mua, bán cho thương lái Trung Quốc nên giống cây bản địa của địa phương hiện còn rất ít.
Để nhân rộng và bảo tồn, anh Hương cùng gia đình vào rừng đánh về và thu mua toàn bộ giống cây trà hoa vàng bản địa của người dân trong bản về trồng ở vườn nhà dưới những tán vải, đồng thời chuyển đổi hơn 1ha đất vườn của gia đình để trồng.
Do áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên nên sản lượng trà rừng hoa vàng của HTX đã cho năng xuất và chất lượng cao. |
Thời gian đầu, anh Hương gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm được các đặc tính của cây. Do vậy, khi đưa trà hoa vàng từ rừng về trồng trong vườn nhà, cây không phát triển được, còi cọc, chết nhiều.
Không nản chí, anh đã lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm của những chủ vườn trà hoa vàng ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh và mày mò tìm hiểu qua sách báo, trên mạng internet. Anh đầu tư cải tạo vườn vải thiều của nhà mình phù hợp với đặc tính tán xạ của cây, đảm bảo độ che phủ cho cây; và đầu tư chuồng trại chăn nuôi để lấy phân bón chăm sóc cây…
Theo anh Hương, cây vải thiều chịu được nắng nóng, tỏa tán rộng, hấp thu ít chất dinh dưỡng nên thích hợp để tạo độ che phủ tốt cho cây trà hoa vàng. Sau 4 - 5 năm, cây trà hoa vàng trong vườn nhà anh cho thu nhập, thấy có hiệu quả, gia đình đã phát triển thêm.
Hiện nay, 2.500 gốc trà hoa vàng của gia đình anh Hương đã cho thu nhập. Năm 2018, gia đình anh thu được 5 tạ hoa bán với giá 600.000 đồng/kg, thu được khoảng 300 triệu đồng. Để nhân rộng diện tích trà hoa vàng, anh Hương còn nhân giống, nuôi cấy, lai ghép giống trà hoa vàng của địa phương, cung ứng cây giống cho bà con...
Đến nay, anh đã hỗ trợ tiền, cây giống không lấy lãi từ khi trồng đến lúc thu hoạch cho nhiều hộ gia đình trong thôn, như gia đình anh Đặng Văn Hiện bán hoa và giống mỗi năm trừ chi phí được khoảng 100 triệu đồng. Nhà ít nhất như gia đình anh Triệu Tiến Hương, Đặng Văn Liền bình quân mỗi năm cũng thu được 20 - 30 triệu đồng. Nhiều gia đình khác trong thôn học theo cách làm của anh Hương đã từng bước xóa được đói, giảm được nghèo.
Xây dựng thương hiệu từ HTX
Thôn Na Lang có 73 hộ với 335 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao, thì có 40 hộ trồng cây trà hoa vàng. Nhà nhiều nhất có khoảng 2.500 cây, nhà ít cũng có khoảng 500 cây, tổng diện tích trồng trà hoa vàng của các hộ là 8ha.
Để xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm cho bà con, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, năm 2018, HTX trà rưng hoa vàng xã Phong Minh chính thức được thành lập với sự tham gia của 15 thành viên và 10 hộ liên kết trong xã.
Đáng chú ý là các thành viên và hộ liên kết đều là người dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông, Hoa tham gia HTX để cùng nhau xây dựng và phát triển thương hiệu trà hoa vàng của địa phương.
Đến nay, HTX đã trồng 14 ha cây trà hoa vàng xen lẫn cây ăn quả, trung bình mỗi năm thu hơn 1 tấn hoa tươi, thu hoạch đến đâu được thương lái đến thu mua hết đến đó. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, cung cấp cho Công ty cổ phần Lâm sản Đạp Thanh ở Ba Chẽ (Quảng Ninh) và một số công ty ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhà thuốc ở Hà Nội...
Do chưa được chế biến sâu nên sản phẩm của HTX trà rừng hoa vàng chưa đem lại giá trị kinh tế cao. |
Ngoài ra, các thành viên của HTX tận dụng khai thác thế mạnh từ việc bán hàng trên zalo, facebook cá nhân, cho thấy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương. Cùng với đó, anh Hương cùng các thành viên trong Hội đồng quản trị đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và bao bì đóng gói sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá cây trà hoa vàng ra thị trường trong, ngoài tỉnh…
Vì thời gian thu hoạch hoa trong khoảng 2 tháng (tháng 11,12 âm lịch), nên các hộ ở địa phương chỉ bán hoa tươi, giá trị thấp hơn và hay bị thương lái ép giá. Để cây trà hoa vàng có giá trị cao, năm 2019 anh Hương cùng các thành viên trong HTX đã đầu tư máy đông lạnh, máy sấy khô, tủ bảo quản để chế biến hoa trà đảm bảo độ tươi, giữ nguyên màu sắc và chất lượng.
“HTX cũng đang mong muốn xây dựng một gian hàng để trưng bày, quảng bá và giới thiệu bán hàng tại tỉnh Bắc Giang để nhiều người biết đến sản phẩm trà hoa vàng của HTX”, anh Hương nói. Tuy nhiên, vấn đề vốn vẫn đang là trăn trở lớn của các thành viên.
Phạm Duy
Bài cuối: Cần sự vào cuộc đồng bộ