Với tiềm năng và lợi thế về sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX, tạo điểm tựa vững chắc, nâng cao nội lực cho người nông dân.
HTX đồng hành cùng nông dân
Được xem là “lõi nghèo” của huyện Giồng Riềng, xã Bàn Thạch có hơn 60% nhân khẩu là đồng bào Khmer. Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của các mô hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, diện mạo kinh tế của xã đã có những khởi sắc toàn diện.
Các HTX đang thúc đẩy nông nghiệp huyện Giồng Riềng chuyển đổi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị. |
Cụ thể, với sự tham gia của các đơn vị kinh tế hợp tác, Bàn Thạch đã đảm bảo vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, đồng thời đưa hàng trăm ha rau màu xuống ruộng, và tận dụng mặt nước nuôi thả, thu hoạch hàng trăm tấn cá đồng các loại.
Một trong những tên tuổi nổi bật của xã là HTX nông nghiệp Thuận Phát, ấp Láng Sen hiện có trên 90 ha ruộng lúa trồng xen canh dưa hấu, dưa leo, bí…, cung cấp cho thị trường 2.200 tấn lương thực, rau củ quả các loại mỗi năm.
Theo UBND xã Bàn Thạch, đến nay xã đã xây dựng thành công 7 HTX và 18 tổ hợp tác, tổng diện tích sản xuất đạt trên 1.290 ha, chiếm xấp xỉ 93% diện tích đất nông nghiệp địa phương, với hơn 1.300 hộ tham gia.
Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang dần chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, dưới sự định hướng, đồng hành, hỗ trợ thiết thực của địa phương.
Hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác giúp hoạt động sản xuất của xã Bà Thạch liên tục tạo chuyển biến, những con đường khang trang, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm bình quân 2 – 4%/năm, hiện còn chưa đầy 5%.
Tương tự, sự đồng hành của HTX nông nghiệp Tân Thuận Phát đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, từ nhỏ lẻ manh mún sang liên kết, chú trọng khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Minh Vạn, Giám đốc HTX Tân Thuận Phát, cho hay đơn vị được thành lập năm 2013, đang thu hút 119 thành viên, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số, sản xuất trên tổng diện tích 206 ha. HTX hoạt động chính trong lĩnh vực trồng trọt, với các loại cây chủ lực gồm lúa, tiêu, rau màu… theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Hiện, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn đang là điểm nhấn trong hoạt động của HTX Tân Thuận Phát. Với tổng diện tích trên 100ha, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Ngoài ra, thành viên HTX còn góp vốn chung để ký hợp đồng với doanh nghiệp để mua phân bón, vật tư nông nghiệp số lượng lớn, giá rẻ hơn mua bên ngoài 10-20%, hoàn toàn không phải lo về chất lượng.
Nhờ sản xuất khoa học, mô hình trồng lúa trên cánh đồng lớn của HTX đảm bảo năng suất 7 - 9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
Đảm bảo tính bền vững
Theo thống kê, toàn huyện Giồng Riềng hiện có 120 HTX nông nghiệp đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho thành viên, đặc biệt là tạo việc làm ổn định cho lao động người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Cần thêm lực đẩy hình thành các chuỗi liên kết nông dân - HTX - doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững. |
Sản phẩm của các HTX sản xuất đều có các doanh nghiệp bao tiêu. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã đem lại thu nhập cao cho người dân nông thôn, từ đó góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Ông Cao Quốc Điện, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, gắn phát triển nông thôn với đô thị, huyện chủ trương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, phát huy tốt quy hoạch vùng, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Thạnh Hưng, Long Thạnh, Hào Lợi, Ngọc Thuận, Thạnh Phước và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Thạnh Hưng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 88 triệu đồng/người/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị với đầu tàu là liên kết nông dân – HTX – doanh nghiệp.
Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất, liên kết gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển và nhân rộng các HTX, tổ hợp tác, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP... Từ đó, tiếp tục tạo sự ổn định, yên tâm cho người dân nói chung và bà con dân tộc Khmer nói riêng an cư, lạc nghiệp.
Nhật Minh