Không chỉ là điểm sáng trong công tác bảo tồn các ngành nghề, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột còn trở thành một trong những “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
HTX bắt nhịp thị trường
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông chia sẻ, người Êđê ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Một trong những công việc chính, truyền thống của họ là dệt thổ cẩm để lo cái mặc cho toàn bộ các thành viên trong gia đình.
HTX liên kết người dân phát huy giá trị văn hóa, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. |
Với trăn trở làm sao vừa gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa giúp những người làm nghề có thêm thu nhập, thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống, năm 2003, bà H’Yam cùng một số chị em phụ nữ trong buôn quyết định liên kết thành lập HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông.
Gần 2 thập kỷ hoạt động, để tồn tại và phát triển, HTX đã liên tục có những đổi mới về tư duy, kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm. Đơn cử, để cạnh tranh với thổ cẩm may công nghiệp, HTX đầu tư trang bị máy dệt, máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất.
Mẫu mã sản phẩm của thành viên HTX làm ra cũng ngày càng đa dạng, phong phú. Không chỉ có trang phục nam nữ, mà còn có túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, túi thơm, gối tựa, áo dài, quần áo trẻ em, các đồ trang sức bằng vải…
“Dù thay đổi về kỹ thuật, mẫu mã, nhưng những nét đặc trưng thổ cẩm của người Êđê thì không đổi, như nền màu đen và họa tiết màu đỏ. Với chất lượng sản phẩm tốt và hoa văn tinh xảo, HTX đã được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc”, Giám đốc HTX H’Yam Bkrông nhấn mạnh.
Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 45 thành viên đều là phụ nữ dân tộc Êđê. Ngoài ra HTX còn tạo việc làm cho hàng chục lao động khác ở địa phương, với doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, thu nhập của thành viên trung bình từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Với mức thu nhập ổn định từ HTX cùng với phát triển kinh tế gia đình đã giúp cho các thành viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tận dụng những lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn và khoảng 300 con lợn. Đồng thời, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú, với 3 nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Êđê...
Khách du lịch đến với HTX vừa được thực hành dệt thổ cẩm, được tham quan trải nghiệm đời sống, vừa được thưởng thức món ăn truyền thống của người Êđê và say sưa trong tiếng cồng, tiếng chiêng, trong hương men rượu cần do chính bàn tay của các thành viên HTX làm ra.
“Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, để đảm bảo an toàn, HTX tổ chức đo nhiệt độ, yêu cầu du khách đeo khẩu trang khi đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động. Các hoạt động ăn uống, văn nghệ tập trung được hạn chế, đảm bảo khoảng cách…”, bà H’Yam Bkrông nói.
Điểm tựa xóa đói, giảm nghèo
Nếu HTX Tơng Bông là của người Êđê, thì HTX Du lịch buôn Jun là “điểm tựa” của đồng bào M’Nông ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Để phát triển du lịch, HTX đang duy trì đàn voi nhà gồm 15 con, hệ thống thuyền độc mộc, nhà dài, cồng chiêng, cùng nhiều giá trị văn hóa đặc thù, độc đáo.
Hiệu quả của các HTX làm du lịch cộng đồng góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. |
“Du lịch trên lưng voi” đang là thế mạnh của HTX, tạo sức hút đặc biệt với khách du lịch khi đến tham quan buôn Jun, nhất là khách nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, HTX thu hút khoảng 1.000 - 1.500 lượt khách du lịch và điều thú vị là đoàn khách nào đến với HTX cũng đều đặt tour “cưỡi voi” thăm hồ Lắk, buôn Jun, rừng đặc dụng...
Theo Ban giám đốc HTX, nếu những ngày thường, mỗi con voi sẽ chở 3-7 lượt khách thì vào dịp lễ Tết lên tới 15 - 20 lượt khách. Dịch vụ cũng được sắp xếp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của du khách như cưỡi voi theo giờ, vào ban ngày hay chỉ vào ban đêm với mức giá khác nhau.
Hiệu quả của ngành “công nghiệp không khói” đang giúp thành viên HTX và đồng bào M’Nông ở buôn Jun từng bước nâng cao thu nhập. Với mức lương bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, cộng thêm thu nhập từ các dịch vụ khác, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Thời gian tới, HTX hướng tới mục tiêu xây dựng làng nghề truyền thống. Làng nghề sẽ thu nhận, dạy nghề tạo việc làm cho trẻ mồ côi, trẻ em nghèo. Khi làng nghề truyền thống đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra những sản phẩm như vải thổ cẩm, gùi, nỏ, cung tên, nhạc cụ dân tộc, rượu cần… phục vụ khách du lịch khi đến tham quan danh lam, thắng cảnh lịch sử, văn hóa, sinh thái huyện Lắk.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đánh giá, trong những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đang có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, các HTX có vai trò định hướng, dẫn dắt, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển du lịch, góp phần đa dạng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu sức hút.
“Hoạt động của các HTX đã và đang góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch ở Tây Nguyên”, ông Thái Hồng Hà khẳng định.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng phát triển, từ đó tạo động lực để các địa phương hiện thực hóa tiềm năng về du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Mỹ Chí
Bài cuối: Đầu tư trọng điểm để đi đường dài