Tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, trong đó có HTX của đồng bào người Mông là vấn đề được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Khắc phục tồn tại, tạo bước đột phá
Là một tỉnh miền núi, chính vì vậy, Thái Nguyên rất chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, đa số các HTX nông nghiệp, trong đó có các HTX của đồng bào người Mông có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, kỹ thuật lạc hậu, ít vốn, khả năng tích lũy vốn rất hạn chế. Ở không ít đơn vị, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và các thành viên còn mờ nhạt, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho hộ thành viên chưa đáng kể, chưa chặt chẽ và hiệu quả… Đây chính là lý do mà đồng bào người Mông, cán bộ HTX chưa nhận thức được tính tất yếu của liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
HTX đồng bào người Mông áp dụng kỹ thuật vào trồng chè. |
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình sản xuất như chất lượng sản phẩm, chế biến, bao bì, đóng gói, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá..., việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ không còn phù hợp mà phải chuyển sang phương thức sản xuất mới. Đó là hình thành và xây dựng các mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012.
Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng một số cơ chế hỗ trợ thiết thực. Các giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng, tín dụng, phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại thường xuyên được quan tâm triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả… cho đồng bào người Mông và cán bộ HTX.
Các địa phương cũng từng bước hình thành các mô hình HTX hoạt động hiệu quả và thu hút đông đảo người dân là đồng bào dân tộc Mông tham gia như: HTX Mỏ Ba (huyện Đồng Hỷ), HTX Trường Sơn (huyện Võ Nhai)...
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 4.500 tổ hợp tác với hơn 73.000 thành viên và người lao động, riêng từ năm 2017 đến nay có 415 tổ hợp tác thành lập mới; có 583 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực với trên 42.000 thành viên và người lao động. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm trung bình có 72 HTX thành lập mới.
Đặc biệt, các HTX nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có HTX của đồng bào người Mông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng gia sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Chính sách hỗ trợ thiết thực
Để phát triển HTX, một trong những điều kiện quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã giao cho các ban ngành đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, trong đó có HTX của đồng bào người Mông nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2017 đến nay, Liên minh HTX tỉnh và các cơ quan, địa phương đã tổ chức, phối hợp tổ chức 160 lớp tập huấn cho trên 14.000 người; tổ chức 62 lớp cung cấp thông tin, tư vấn thành lập HTX cho 3.100 lượt người; mở 9 lớp bồi dưỡng cho 540 lượt cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.
Lớp tập huấn cho các HTX, trong đó có các HTX của đồng bào người Mông |
Đồng thời, hỗ trợ đào tạo dài hạn cho 15 lượt cán bộ quản lý, tổ chức 67 lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho gần 2.800 lượt cán bộ, thành viên HTX. Chính vì vậy mà đến nay, hầu hết các HTX, trong đó có HTX của đồng bào người Mông đã nhanh nhạy trước thị trường như hướng dẫn thành viên thực hiện bán hàng qua các trang thương mại điện tử, thu hút các kỹ sư chuyên ngành về làm việc…
Bên cạnh nguồn nhân lực, tỉnh còn tích cực hỗ trợ kết nối để các doanh nghiệp, HTX bắt tay liên kết. Cụ thể, trung bình mỗi năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Nguyên (Sở Công Thương) đã tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, trong đó có các HTX của đồng bào dân tộc trong tỉnh tham gia trên 15 lượt hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường. Ngoài ra, Trung tâm còn tăng cường hoạt động quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu qua hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh...
Đặc biệt, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, đầu tư các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, liên kết sản xuất.
Trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, chè an toàn, hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; giám sát việc ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Tiêu biểu như HTX Mỏ Ba (huyện Đồng Hỷ), hình thành trên địa bàn có nhiều đồng bào người Mông đang ưu tiên phát triển chuỗi sản xuất chè gắn với thương hiệu chè Thái Nguyên. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ máy móc như máy sao sấy chè để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, HTX Mỏ Ba đã trở thành một tổ chức sản xuất, kinh doanh liên kết với các HTX, doanh nghiệp khác nhau để thích ứng trong nền kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục thành lập mới các HTX, nâng cao năng lực nhận thức của các HTX. Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ về xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, bổ sung nguồn vốn quỹ để hỗ trợ cho HTX trong giai đoạn 2021-2025".
Có thể thấy, việc nâng cao hoạt động của các HTX, trong đó có phát triển các HTX kiểu mới đã giúp đồng bào dân tộc người Mông ở Thái Nguyên trở thành những người lao động sáng tạo, góp phần cùng các cấp các ngành thực hiện mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Những công việc tốt, hành động đẹp của người Mông tại Thái Nguyên khi tham gia các HTX đã lan tỏa sâu rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất ở địa phương.
Nguyễn Khuê