Ở Thái Nguyên, nói về chè, ai cũng nghĩ đến Tân Cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Tức Tranh (Phú Lương)… Nhưng còn có một vùng chè "mới nổi" tại huyện Đồng Hỷ với 9 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tập trung ở các xã Văn Lăng, Tân Long, Quang Sơn. Đồng bào nơi đây trồng chè, nhờ cây chè mà cuộc sống ngày càng ổn định.
Cây giảm nghèo bám rễ đất núi
Ông Hoàng Văn Mùi, người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Mông ở xóm 10, xã Tân Long, được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen kể: "Chúng tôi người gốc Cao Bằng, gần 40 năm trước đã theo nhau tìm về đất này lập nghiệp. Trong những năm tháng khó khăn, bà con được Nhà nước hỗ trợ ổn định cuộc sống, như làm nhà ở, phát triển sản xuất, trong đó có việc vận động và hỗ trợ người dân trồng chè".
![]() |
Người Mông ổn định cuộc sống nhờ cây chè |
Năm 1996, việc trồng chè trở thành một phong trào chuyển đổi cây trồng rộng trên toàn xóm 10, xã Tân Long. Hầu hết các triền đồi dốc, các bãi đất cao không thuận lợi nguồn nước tưới được đồng bào trồng chè. Để có hạt giống tốt, bà con tự đến Nông trường chè Sông Cầu, xin hái quả chè mang về bóc lấy hạt, ngâm ủ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và bảo nhau kinh nghiệm tra hạt.
Ông Dương Văn Long, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 10, xã Tân Long phân tích: "Người Mông mình sống thực tế, phải thấy được cái hay thì mới theo. Chính vì thế, khi thấy nhà ông Mùi, ông Lầu, ông Vụ - 3 hộ trồng chè đầu tiên của xóm, hái ngọn, lá chè bán được tiền, liền bảo nhau đến học hỏi, làm theo". Hiện, hầu hết các hộ trong xóm đều trồng chè, tổng diện tích chè của bà con trong xóm cộng lại có khoảng gần 70.000m2.
Hỏi chuyện làm chè, bà Nguyễn Thị Bần cho biết: "Gia đình tôi có 10 sào đất, đủ cả ngô, lúa, chè. Ngô cho bắp, lúa cho hạt để làm lương thực, cây chè cho tiền mua sắm.
Còn ông Hoàng Văn Mầu kể: Năm 2010 về trước, chè của người Mông nơi đây bán với giá rất thấp, vài chục nghìn đồng/kg. Nhưng sau mấy lần người dân rủ nhau về vùng chè Tân Cương học hỏi kinh nghiệm từ việc chăm sóc, thu hái, bảo quản, sao sấy và áp dụng làm theo, nên chè bán được giá cao hơn. Cây chè đã giúp đồng bào người Mông có cuộc sống ổn định hơn.
Ông Vũ Đại Lâm, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ được tăng cường về xã Tân Long cho biết, chè của xóm người Mông có giá vừa phải. Người trồng luôn tuân thủ rất tốt quy trình sản xuất chè an toàn, vì thế người tiêu dùng luôn yên tâm khi sử dụng.
Vươn lên thành HTX
Muốn thoát khỏi đói nghèo, chỉ có cách tiên phong thay đổi, mạnh dạn đầu tư sản xuất hàng hoá. Để phát triển thương hiệu chè tại huyện Đồng Hỷ, bà con người Mông đã mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp Mỏ Ba với 8 thành viên.
Hoạt động chính của HTX hiện nay là sản xuất và tiêu thụ chè, mỗi năm khoảng 15 tấn búp khô. Quy trình sản xuất chè được các thành viên trong HTX nắm chắc như: kỹ thuật chăm bón chè an toàn, chế biến chè đúng cách… HTX đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư máy sao sấy chè. Ngoài chế biến, tiêu thụ chè của các hộ thành viên, HTX còn thu mua và chế biến chè của các hộ trong xóm để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.
![]() |
Đồng bào người Mông tích cực sản xuất chè an toàn |
Điều quan trọng khi HTX đi vào hoạt động là nhận thức của đồng bào người Mông về sản xuất cây chè đã thay đổi. Trước đây, bà con nhận thức đơn giản về trồng trọt, chỉ biết làm nương rẫy tự phát. Qua HTX, bà con được tập huấn nên hiểu sâu hơn về giá trị mang lại từ cây chè. Bà con cũng có cái nhìn mới trong sản xuất, nên luôn có tinh thần xây dựng và phát triển HTX.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất và tiêu thụ chè, HTX còn mạnh dạn tìm cách đưa cây dược liệu về trồng thử. Để khai thác lợi thế về đất rừng và thời tiết khí hậu quanh năm mát mẻ vì ở trên núi cao, HTX cho rằng đưa cây dược liệu về trồng sẽ phù hợp và bà con có thể tận dụng trồng dưới tán rừng để có thêm thu nhập.
Hiện tại, HTX đang trồng thử nghiệm 2ha cây ba kích và đinh lăng xen lẫn với chè đang khai thác với số vốn gần 500 triệu. Đây là hai loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm sóc như những cây trồng khác, cũng không quá kén đất.
"Tham khảo các mô hình, chúng tôi thấy rất hiệu quả, kinh phí đầu tư ban đầu ít, cây khoẻ, phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định với giá cao vì hai loại cây này có công dụng tốt đối với tăng cường, bảo vệ sực khoẻ, được chế biến thành các sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng và mọi lứa tuổi", Đại diện HTX Mỏ Ba chia sẻ.
Với 1 vạn cây ba kích và 3 nghìn cây đinh lăng, theo tính toán của HTX, cây ba kích đủ 4 năm sẽ cho thu hoạch, mỗi gốc khoảng 2-3 kg củ tươi, giá bán trung bình ở thời điểm hiện tại khoảng 200.000 đồng/kg. Còn đinh lăng thì các công ty dược thu mua cả lá, thân và củ, càng lâu năm càng đắt giá. So với trồng keo hay chè, hiệu quả kinh tế đều cao hơn hẳn, thêm vào đó là còn góp phần bảo tồn được nguồn dược liệu quý.
Sau khi trồng thử nghiệm, HTX sẽ vận động bà con cùng trồng, để tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn. Hy vọng đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là cây xóa đói giảm nghèo đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
HTX Mỏ Ba là một trong số những HTX đang hoạt động hiệu quả khi thu hút và tạo việc làm ổn định cho đồng bào người Mông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ sản vật quê hương. Cùng với những yêu cầu của thị trường trong thời kỳ hội nhập, các HTX đã tiếp cận nhiều hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: đào tạo tập huấn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm.
Không dừng lại ở đó, các HTX còn chủ động trong quản lý, tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất, tiếp cận thị trường… Nhờ đó, hoạt động sản xuất của các HTX có người Mông tham gia đã xây dựng được chuỗi sản xuất hàng hóa lớn với sự tham gia của doanh nghiệp. Từ đây, đồng bào người Mông đã có thêm nhiều việc làm, thu nhập được nâng cao và đời sống được ổn định.
Nguyễn Khuê
Bài cuối: Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX