Ma Nới là xã miền núi khó khăn của huyện Ninh Sơn với 4.531 khẩu/1.147 hộ, trong đó 98% là người đồng bào Raglai, đời sống dân trí còn hạn chế. Những năm qua, để tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, xã đã chú trọng công tác đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp với những mô hình sản xuất và điều kiện thực tế ở từng vùng.
Tạo sinh kế bền vững
Theo UBND xã Ma Nới, với đặc thù diện tích tự nhiên đa phần là đồi núi, đất canh tác chiếm chưa đến 4% (924/25.500 ha). Thời gian qua, xã đã tập trung xây dựng và thực hiện hiệu quả 3 giải pháp, gồm tạo sinh kế dưới tán rừng, phát triển các mô hình chăn nuôi và đào tạo nghề.
Được dạy nghề giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Sơn tư tin chuyển đổi sản xuất, tạo sinh kế bền vững. |
Trong 3 giải pháp mũi nhọn, đào tạo nghề là công tác được các ban ngành chức năng xã Ma Nới đặc biệt chú trọng và nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp tỉnh, huyện. Kể từ năm 2019, xã đã được huyện Ninh Sơn hỗ trợ mở hơn 10 lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn, ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và chăm sóc cây công nghiệp.
Năm 2020, xã được huyện Ninh Sơn hỗ trợ tổ chức tập huấn cho 90 hộ đồng bào thiểu số có hợp đồng chăn nuôi bò cái sinh sản về kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Sau khi học tập, đa số các hộ đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.
Nhờ những lớp dạy nghề được mở ngay tại các thôn, làng tập trung đông lao động là người dân tộc thiểu số, đã giúp xã Ma Nới nâng cao trình độ nhân lực, tạo đà cho nông dân địa phương chuyển đổi sang những nghề mới với nguồn thu nhập cao hơn.
Anh Pinăng Đại, người Raglai, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp thôn Gia Rót, cho hay từ khi áp dụng những kiến thức học được qua lớp tập huấn của xã, gia đình anh đã trồng thành công 6 sào bắp giống NK-7328. Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đào giếng trữ nước chống hạn cho bắp.
Nhờ đó, khi thời tiết nắng hạn, 6 sào bắp của gia đình anh Pinăng Đại vẫn phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt, các sản phẩm sau khi làm ra được tổ hợp tác hỗ trợ bao tiêu nên thu nhập liên tục được cải thiện.
“Thay đổi lớn nhất sau các khóa đào tạo nghề là các hộ vững tin chuyển đổi sang những mô hình sản xuất mới, đủ khả năng ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi”, anh Pinăng Đại chia sẻ.
Cùng với Ma Nới, các chương trình đào tạo nghề đang được huyện Ninh Sơn triển khai tại tất cả các địa phương, với các khóa tập huấn kỹ thuật ngắn hạn, thiết thực, dễ hiểu, phù hợp với điều kiện của mỗi vùng.
Điển hình, trong 2 năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trường Trung cấp Việt Thuận, UBND xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) đã mở các lớp đào tạo nghề Nghiệp vụ bàn cho trên 50 lượt lao động nông thôn là đồng bào dân tộc trong xã, phục vụ cho việc phát triển ngành du lịch ở địa phương.
Hướng tới phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ninh Sơn cho biết trong năm 2020, huyện đã mở 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 557 học viên, đạt 111,4% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nghề nông nghiệp 11 lớp/365 học viên, nghề phi nông nghiệp 6 lớp/192 học viên. Giải quyết việc làm cho 3.155 lao động nông thôn, đạt 101,8% chỉ tiêu.
Nông nghiệp tiếp tục là mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế huyện Ninh Sơn trong thời gian tới. |
Thông qua các khóa đào tạo nghề, phần lớn các hộ nông dân đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ nông dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.
Theo ông Tiến, để tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, huyện cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Huyện cũng cần chủ động lồng ghép kế hoạch giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào chương trình công tác địa phương, các điểm xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo mô hình xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh Sơn, cho biết hiệu quả của công tác đào tạo nghề là một trong những yếu tố giúp ngành nông nghiệp của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng, dù gặp phải không ít những bất lợi.
Đặc biệt, các vùng chuyên canh cây nguyên liệu, phục vụ công nghiệp chế biến như cây bắp, mì và mía tại những vùng sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, biến những vùng đất khô cằn thành vùng đất trù phú, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định.
Đến nay, ở Ninh Sơn không chỉ xuất hiện những triệu phú từ trồng cây mì, mía, mà còn xuất hiện thêm nhiều nông dân có thu nhập cao từ những mô hình chăn nuôi theo mô hình trang trại.
“Hiện, toàn huyện có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,64% so với năm 2019, dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%... Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, mở rộng”, ông Hoàng Lê Ngọc Anh cho hay.
Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý, gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, năm 2021 huyện quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trên 13,8%. Trong đó, nông lâm nghiệp - thủy sản tăng 6%, công nghiệp - xây dựng tăng 20%, thương mại - dịch vụ tăng 11%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất từ 0,5%, giải quyết việc làm mới cho 2.000 lao động, 96% dân số tham gia bảo hiểm y tế…
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, huyện chủ trương huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ổn định.
Trong đó, huyện sẽ tập trung, nâng chất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.
Thực hiện tốt, kịp thời và đầy đủ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Hưng Nguyên