Xác định công tác hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số khó khăn là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt 10 năm qua, huyện Ninh Sơn luôn có những chương trình, chính sách đặc thù, tạo nên những điểm tựa vững vàng cho người dân.
Tín dụng đồng hành cùng người dân
Chương trình tín dụng dành cho các hộ dân tộc thiểu số mới thoát nghèo đang là một trong những chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả nhất ở Ninh Sơn, tạo nên hiệu ứng tích cực góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của huyện.
Ninh Sơn đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. |
Gia đình chị Đinh Thị Kim, dân tộc Nùng, xã Mỹ Sơn, đang là một trong số hàng trăm hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ninh Sơn được hưởng lợi từ nguồn vốn vay của chương trình.
Trước đây, gia đình chị Kim thuộc diện hộ cận nghèo của xã, thực hiện nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ, hoặc đi làm thuê, làm mướn thời vụ để lo cho cuộc sống, nuôi các con nhỏ đang tuổi đi học.
Chị Kim chia sẻ, so với các gia đình khác trong thôn, gia đình chị cũng không quá nghèo khó nhưng bản thân cũng chạnh lòng và muốn có chút vốn liếng để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, cho các con sau này đỡ khổ.
Tuy nhiên, cái khó của chị là khả năng tiếp cận nguồn vay vốn an toàn, bởi với người dân quê kiến thức còn hạn hẹp, rủi ro từ tín dụng đen luôn rình rập, bên cạnh đó là kinh nghiệm trong sản xuất còn hạn chế, chẳng may làm ăn thất bại thì không biết lấy tiền đâu để trả nợ.
Bước ngoặt đến khi cách đây vài năm, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Sơn tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, chị đã mạnh dạn xin vay 15 triệu đồng, mua 1 con bò cái.
Cùng với kiến thức có được từ các lớp tập huấn do địa phương tổ chức và chịu khó chăm sóc, đàn bò đã phát triển lên 3 con. Có được thu nhập từ chăn nuôi bò, chị đầu tư thêm chăn nuôi gà thả vườn, trồng một số cây ăn trái.
Nhờ thường xuyên cập nhật những kiến thức khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, nên từ một trong những hộ cận nghèo của xã, đến năm 2020 gia đình chị Kim đã vươn lên thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Đàn bò vẫn phát triển ổn định, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, hiện tổng đàn đã được nhân lên 7 con, tổng trị giá gần 300 triệu đồng.
Không chỉ có chương trình tín dụng cho các hộ mới thoát nghèo, những năm qua, huyện Ninh Sơn đã thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Điển hình, thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm, huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ cho 143.886 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, với tổng kinh phí trên 112 tỷ đồng. Hình thức cấp phát bằng tiền mặt và giống cây trồng theo nhu cầu của các hộ nghèo tại các xã trên địa bàn theo quy định.
Về hỗ trợ đất sản xuất, huyện Ninh Sơn đã triển khai tổ chức khai hoang 52,3 ha đất sản xuất/92 hộ, để cấp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Ma Nới, Lâm Sơn và Hòa Sơn, với mức hỗ trợ bình quân 5.000 m2/hộ.
Trong đó, xã Lâm Sơn khai hoang được 15 ha tại khu vực Hòn Vàng, cấp cho 30 hộ thuộc thôn Tầm Ngân 1 và Tầm Ngân 2. Xã Hòa Sơn khai hoang tại khu vực Hòn Đỏ được 15,2 ha, đã cấp cho 30 hộ trong danh sách được tỉnh phê duyệt và xã Ma Nới khai hoang được 22,1 ha tại khu vực Núi Quýt, đã cấp cho 32 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Kịp thời hóa giải điểm nghẽn
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công nghệ cao, huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ các HTX, người dân vùng dân tộc thiểu số thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây lâm nghiệp giá trị cao.
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình điểm, tạo sức lan tỏa trong phong trào sản xuất. |
Huyện cũng khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn trái, mô hình “3 giảm 3 tăng” trên cây lúa, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như cây mía, mì, bắp...
Nhiều dự án có triển vọng đang phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống người dân như: Dự án trồng lan cấy mô trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao tại các xã Quảng Sơn, Lâm Sơn, quy mô 2,6 ha; bưởi da xanh, với diện tích 6,02ha/17 hộ; mô hình trồng ớt hàng hóa của HTX Tầm Ngân…
Việc giao rừng khoán quản cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được đẩy mạnh, giúp các hộ dân có thêm thu nhập gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng.
Đến nay, 7/7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của huyện Ninh Sơn đạt chuẩn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tiểu học đúng độ tuổi. Có nhiều con em người dân tộc thiểu số đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, đánh giá việc thực hiện đồng bộ các chính sách đang giúp diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện có bước khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt trong giai đoạn 2011 – 2020.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng điều kiện kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Ninh Sơn phát triển còn chậm và chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại vùng miền núi vẫn còn khá cao.
Mặt khác, điều kiện tự nhiên ở vùng đồng bào dân tộc miền núi ít thuận lợi, diện tích canh tác không nhiều, chủ yếu đồi núi, thường khô hạn, thiếu nước vào mùa khô.
Để tạo bước đột phá trong chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, nhất là phải kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm phát huy hiệu quả phong trào thi đua sản xuất giỏi.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình triển khai các chương trình, dự án. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng xã.
Hưng Nguyên
Bài 2: Đánh thức thế mạnh nông nghiệp