HTX Tân Hợp, xã Hồng Thái, thành lập năm 2014 với 7 thành viên và 20 hộ liên kết. Trong 5 năm đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX gặp vô vàn khó khăn bởi các thành viên 100% là người dân tộc thiểu số, nhiều người trình độ văn hóa, kỹ năng sản xuất rất thấp...
Liên kết tạo sức mạnh
Ông Đàng Đức Hầu, Giám đốc HTX Tân Hợp, cho hay trước đây, khi chưa có HTX, đồng bào chủ yếu sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, nên các sản phẩm thiếu đa dạng, đời sống bấp bênh, kinh tế gia đình quanh năm gặp khó khăn.
HTX trên địa bàn huyện Na Hang đang làm tốt công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ cho người dân địa phương. |
Vì vậy, ngay từ khi ra đời, cán bộ HTX đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân địa phương hiểu về mô hình kinh tế hợp tác, tham gia HTX sẽ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đầu ra…
Tuy nhiên, để thay đổi tư duy sản xuất cho người dân, chỉ “nói suông” là không có tác dụng. Vì vậy, trong những năm đầu tiên, các thành viên chủ chốt của HTX đã vận dụng kỹ thuật mới để xây dựng mô hình trồng rau ôn đới theo tiêu chuẩn VietGAP, cho giá trị cao.
Thành công của HTX đã nhanh chóng thuyết phục được người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tham gia, chuyển đổi sản xuất từ lúa, ngô kém hiệu quả, sang trồng rau an toàn VietGAP. Đến nay, tổng diện tích canh tác rau chất lượng cao của HTX đã lên tới hơn 10 ha.
Chị Lý Thị Kiều, dân tộc Tày, thành viên liên kết của HTX Tân Hợp, xã Hồng Thái, cho biết trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với cách làm truyền thống, nhưng chất lượng, năng suất cải thiện, giá trị sản phẩm tăng 15 – 30%.
Nếu như trước kia, phân gia súc bón thẳng cho rau thì giờ đây nông dân phải ủ hoai mục, xử lý vi sinh trong 30 - 40 ngày mới được bón lót. Trước và sau mỗi vụ, người trồng dùng vôi bột khử trùng đất, pha loãng rượu ngâm tỏi, ớt để trừ sâu.
“Với sự đồng hành của HTX, chúng tôi phát triển sản xuất quanh năm, với rau cải là cây trồng chính. Chúng tôi trồng nhiều để bán cho HTX hoặc phục vụ khách du lịch. Khách vào ăn khen rau ở đây ngọt, mềm hơn, mình cũng vui”, chị Kiều phấn khởi nói.
Không chỉ quan tâm đến việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, HTX Tân Hợp còn mạnh dạn xúc tiến thương mại với các siêu thị, hợp tác với các “ông lớn” trong ngành bán lẻ.
Sản phẩm rau, củ, quả của HTX Tân Hợp đang được chuỗi siêu thị Vinmart Tuyên Quang, cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội nhận bao tiêu, thu mua. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho siêu thị khoảng 3 tấn rau với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại.
Cũng ở xã Hồng Thái, HTX Sơn Trà đang là mô hình sản xuất điểm, hoạt động hiệu quả để đưa hương chè Shan tuyết đặc sản vươn xa trên thị trường, thu giá trị cao về kinh tế cho thành viên, nông dân liên kết.
Hiện nay, HTX Sơn Trà đang có tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn xã Hồng Thái là 64ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 20 năm tuổi.
Thêm lực đẩy cho các HTX
Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà, cho biết để nâng cao chất lượng sản phẩm, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của HTX hiện đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”, gồm không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp.
Hiệu quả của các HTX giúp huyện hình thành các thương hiệu sản phẩm có tiếng trên thị trường. |
Hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản huyện Na Hang sẽ lấy mẫu và kiểm tra tồn dư các chất hóa học trong lá trà, trong đất. Theo đó, 20 thành viên và các hộ liên kết của HTX phải ký cam kết sản xuất hữu cơ, chăm sóc theo quy trình chuẩn.
Bên cạnh đó, để sản xuất theo hướng hàng hóa, HTX mạnh dạn đầu tư các loại máy móc hiện đại như máy sao chè, máy vò chè, máy sấy chè, máy đóng gói, máy hút chân không… nhằm nâng cao năng suất và đồng đều chất lượng chè.
Trung bình 100 kg chè tươi sản xuất được 16 kg chè khô. Tùy theo phân khúc khách hàng, người dân sẽ hái loại “một tôm - hai lá” hoặc “một tôm” (búp non duy nhất trên chồi cây). HTX đang sản xuất chủ yếu 3 loại trà theo giá trị 250.000 đồng/kg, 600.000 đồng/kg và 1.200.000 đồng/kg.
Sản xuất chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà theo hướng hàng hóa giúp tạo thu nhập ổn định cho bà con các dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo và đưa xã Hồng Thái về đích nông thôn mới vào cuối tháng 7/2020. Hiện nay, HTX đang giải quyết việc làm cho 130 hộ liên kết trong vùng với mức thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang, nhận định với nhiều phương thức đổi mới, các HTX sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện đang dần “sống lại”, khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản địa phương.
Toàn huyện đang có trên 10 HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, hình thành liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các HTX đang khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả, xã Năng Khả do anh Phan Thanh Ngọc, dân tộc Tày, làm Giám đốc. HTX đang là điểm tựa khởi nghiệp cho hàng chục thanh niên địa phương. Hiện, mỗi tháng HTX xuất bán trên 2 vạn gà, vịt, ngan giống, cung cấp ra thị trường trên 3 tạ gà thịt và nhiều loại rau đặc sản, thu nhập bình quân của các thành viên đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy vai trò của HTX, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho các đơn vị, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp.
Huyện cũng chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX ... Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Qua đó, thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động.
Bài 3: Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái
Hưng Nguyên