Theo UBND huyện Đak Pơ, toàn huyện hiện có 15 HTX, trong đó 11 HTX đang hoạt động ổn định, 1 HTX vừa thành lập và 3 HTX đang trong quá trình tái cơ cấu. Đa số HTX trên địa bàn huyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hỗ trợ các thành viên, nông dân liên kết về khoa học – kỹ thuật, vốn, vật tư, bao tiêu...
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Gần 5 năm qua, hoạt động sản xuất của ông Đặng Văn Minh, dân tộc Tày, xã Tân An, huyện Đak Pơ thuận lợi hơn rất nhiều, thu nhập từ việc trồng rau xanh của gia đình cũng tăng gấp 2 - 3 lần, nhờ được tạo điều kiện tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát.
Các HTX phát huy vai trò liên kết, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân Đak Pơ. |
Ông Minh chia sẻ: “Vào HTX, tôi được tập huấn nâng cao kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất dưới sự định hướng, theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng được tiêu chí cung cầu nên lợi nhuận tăng lên, hạn chế được tình trạng sản phẩm làm ra lúc thiếu, lúc thừa, nên bà con rất phấn khởi”.
Năm 2020, dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID - 19, lượng rau xanh cung cấp cho thị trường TP.HCM giảm mạnh, nhưng nhờ sự đồng hành của HTX, gia đình ông Minh vẫn duy trì sản xuất ổn định trên diện tích hơn 0,5 ha, thu nhập trên 60 triệu đồng (chỉ giảm khoảng 10% so với năm 2019).
Bà Nguyễn Tuyết Hoa, Giám đốc HTX An Trường Phát, cho hay đơn vị được thành lập vào cuối năm 2017, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chuyên sản xuất, thu mua các loại rau củ quả an toàn do các thành viên sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm của HTX có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cạnh tranh tốt nhất cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX còn thực hiện cung ứng giống, phân bón, chế phẩm sinh học cho các thành viên và người dân địa phương.
Nhờ được các phòng chuyên môn của huyện tích cực hỗ trợ, hiện nay, HTX đã cung ứng 17 loại rau củ quả an toàn cho 7 công ty ngoài tỉnh. Đồng thời, HTX đã tạo mối liên kết sản xuất với các thành viên, tích cực mở rộng diện tích sản xuất và thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.
Tương tự, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành, xã An Thành, được thành lập vào tháng 8/2019, cũng đang là một trong những điển hình hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Đak Pơ.
Với phương châm lấy lợi ích của thành viên làm gốc, HTX đã xây dựng mô hình “mua chung - bán chung” nhằm hỗ trợ thành viên lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết tạo đầu ra ổn định, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Giám đốc HTX Huỳnh Hữu Nghị cho biết, đơn vị đang có 18 thành viên, hàng chục hộ liên kết, đa phần là người dân tộc thiểu số như Banah, H'Mông, Gia rai, Tày.
Để nâng cao hiệu quả, những năm qua, HTX đã tích cực hỗ trợ thành viên thực hiện chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả, sang trồng nhãn Hương Chi, kết hợp nuôi hươu sao, cá, bò sinh sản… Giá trị bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hỗ trợ để gia tăng nội lực
Không chỉ có các HTX nông nghiệp, huyện Đak Pơ còn có các HTX dịch vụ nông nghiệp, vận tải hoạt động rất hiệu quả, tạo sức ảnh hưởng tích cực. Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hà Tam (xã Hà Tam), HTX Dịch vụ Vận tải Đăk Pơ (xã Cư An)…
Các HTX trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ, vận tải. |
Đơn cử, HTX Hà Tam đang hoạt động đa lĩnh vực với các ngành nghề chủ lực là vận tải, thủy lợi, liên kết sản xuất, tiêu thụ bắp sinh khối… phát huy hiệu quả tốt, tạo mối liên kết giữa nông dân và HTX, doanh nghiệp trong sản xuất.
HTX ra đời với những xe tải cỡ lớn đang giúp nông dân địa phương giải bài toán vận chuyển, đưa nông sản vươn tới những thị trường lớn, hạn chế thất thoát, đảm bảo giá bán. Việc liên kết trong HTX cũng giúp người nông dân nâng cao nội lực, gia tăng năng suất, ổn định thu nhập.
Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, cho biết để có được những thành công trên, những năm qua, huyện đã dành nhiều sự quan tâm, các chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Tiêu biểu, kể từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã phối hợp với ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho hàng chục thành viên HTX vay vốn phát triển sản xuất. Cụ thể, 16/18 thành viên của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Thành được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Hàng năm, huyện tổ chức gặp mặt đại diện các HTX, doanh nghiệp để cung cấp những thông tin về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển… Nhờ đó, các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Bên cạnh những thuận lợi, các HTX, Tổ hợp tác trên địa bàn huyện còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ như khả năng tiếp cận vốn vay, quy mô hoạt động còn nhỏ, trình độ khoa học – kỹ thuật còn hạn chế, tính cạnh tranh chưa cao.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế thị trường và mô hình HTX kiểu mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên và người lao động, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bài cuối: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thế mạnh
Hưng Nguyên