Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo an sinh xã hội tạo tiền đề để huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế nhanh và bền vững. |
Thời gian qua, người dân các huyện 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ) tại tỉnh Nghệ An dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động tìm tòi, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Nghệ An có 11/21 huyện, thị xã miền núi, với 252 xã, thị trấn miền núi. Trong đó có 107 xã và 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài biên giới là 419 km. Diện tích toàn tỉnh 16.480 km2, trong đó khu vực miền núi là 13.745 km2 (chiếm 83%).
Dân số toàn tỉnh hơn 3,2 triệu người, trong đó miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41%). Riêng đồng bào DTTS có 442.787 người, chiếm 15,2% dân số và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Tỉnh có 5 dân tộc thiểu số chính, gồm: Thái 299.490 người, Thổ 62.751 người, Khơ Mú 45.890 người, H'Mông 30.433 người, Ơ Đu 1.085 người.
Đồng bào các dân tộc ở Nghệ An có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, khắc phục thiên tai và xây dựng quê hương, đất nước. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong cộng đồng các dân tộc ở Nghệ An.
Từ khi có chương trình 135/CP, Nghị quyết 30a và các chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An có bước chuyển biến quan trọng. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố. Kinh tế vùng dân tộc từng bước phát triển, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở vùng dân tộc được cải thiện rõ rệt; công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả quan trọng.
Điển hình, năm 2020, có 44 xã nghèo thuộc các huyện 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và một số huyện khó khăn khác, được hỗ trợ từ các chính sách xoá đói, giảm nghèo. Từ đó, người dân các huyện 30a đã đoàn kết, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động tìm tòi, tận dụng tiềm năng, lợi thế địa phương để làm kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản, đời sống của của đồng bào các dân tộc được nâng lên rõ rệt.
Liên kết hợp tác làm kinh tế
Trước đây, đời sống của người dân bản Na Bè, xã Xá Lượng (thuộc diện xã 30a), huyện Tương Dương vô cùng khó khăn, nhưng nay đã “thay da, đổi thịt”, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Con đường đất gập ghềnh vào bản ngày nào nay đã được trải nhựa, xe đi êm ru. Những mái nhà sàn ngói đỏ, ngói xanh ở quanh ngọn đồi nối với nhau bởi tuyến đường bê tông uốn lượn. Môi trường vệ sinh trong bản gọn gàng, sạch sẽ, không lầy lội, rây rắc phân gia súc, gia cầm như trước kia.
Chủ tịch UBND xã Lô Thị Trà Mi phấn khởi cho biết: "Từ một bản toàn người Khơ Mú nghèo khó, với sự hỗ trợ tổng thể từ huyện đến xã, các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhiều chương trình, dự án được lồng ghép thực hiện hiệu quả, giúp bản Na Bè xóa nhà tranh tre dột nát, làm đường bê tông nội bản, vệ sinh môi trường…, xây dựng thành công bản đạt chuẩn nông thôn mới".
Với tiềm năng về đất đồi, xã Xá Lượng đã thành lập Tổ hợp tác bản Na Bè để tập hợp người dân trong vùng trồng sắn cao sản, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Các hộ dân thu hoạch sắn cung cấp cho nhà máy chế biến. |
Anh Lô Bá Mì, thành viên Tổ hợp tác bản Na Bè chia sẻ: “Ban đầu, người dân không muốn tham gia vì cho rằng trâu, bò ăn phải lá sắn sẽ bị chết. Ðể thay đổi nhận thức, cán bộ, đảng viên đến từng nhà, kiên trì nói chuyện, giải thích để người dân hiểu về trồng sắn và hiệu quả mà cây sắn đem lại. Thậm chí, cán bộ tuyên truyền còn cam kết với dân: Nếu trâu, bò ăn lá sắn mà chết, chúng tôi đền. 27 đảng viên trong chi bộ chia làm 4 nhóm, đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn để tuyên truyền, giúp đỡ”.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Lữ Tấn Phong không chỉ gương mẫu, tiên phong trồng hơn 1ha sắn mà còn thuyết phục, giúp đỡ 8 hộ dân cùng tham gia Tổ hợp tác. Kết quả, sau một vụ, có gia đình thu nhập được gần 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để giúp người dân xóa nhà dột nát và phát triển các mô hình làm kinh tế, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương vào bản, đến từng nhà, hướng dẫn thủ tục vay vốn làm nhà hoặc phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng sắn cao sản…
Với cách làm bài bản, "cầm tay chỉ việc", nên mô hình tổ hợp tác làm kinh tế vườn, rừng được xây dựng thành công tại bản Na Bè. Chỉ tính riêng trồng sắn cao sản, cả bản có hàng chục hộ tham gia, nhiều hộ có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/vụ. Từ thành công trong trồng sắn, xã Xá Lượng tiếp tục chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong bản "tỉ tê" vận động các hộ dân tham gia Tổ hợp tác trồng rau xanh, phát triển đàn trâu, bò, vệ sinh môi trường… Dần dần, người dân biết cách làm kinh tế, bớt tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Bài 2: Ấm no nhờ trồng gừng
Hoàng Hà