Những ngày trung tuần tháng tư, cái rét nàng Bân làm thời tiết se lạnh, nhưng trên khắp các nẻo đường làng của xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vẫn rộn rã tiếng người, xe tải của một số doanh nghiệp, công ty thu mua, chế biến lợn qua lại, vận chuyển hàng trăm con lợn từ các hộ gia đình đi nơi khác tiêu thụ.
Phấn khởi vì lợn năng suất, được giá
Những con đường nông thôn mới được đầu tư khang trang, rộng mở, giúp cho người và phương tiện giao thông lưu thông thuận tiện, càng giúp cho việc tiêu thụ và giá lợn cũng ổn định hơn.
Làng quê rộn ràng, nét mặt của người dân ai cũng phấn khởi, rạng ngời bởi hơn 1 năm qua, chăn nuôi năng suất, lợn không bị dịch bệnh, giá lại cao nên đem lại nguồn thu và lãi dòng lớn.
![]() |
Ông Trịnh Duy Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chăn nuôi Tân Tiến cho biết, gia đình ông có kinh nghiệm 10 năm nuôi trang trại lợn. |
Chất lượng lợn đảm bảo, giá lợn cao ổn định hơn 1 năm qua đã giúp người dân nơi đây cơ bản khắc phục được những khó khăn, thất bại bởi giá lợn thấp đỉnh điểm năm 2016-2017 và dịch tả lợn Châu Phi năm 2019.
Không chỉ chăn nuôi, mà người dân còn ý thức trong việc đào bể bioga để xử lý phân lợn, khai thác gas phục vụ nấu nướng vừa tiết kiệm chi phí, vừa xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi.
Đưa chúng tôi ra thăm đàn lợn, ông Trịnh Duy Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chăn nuôi Tân Tiến cho biết, gia đình ông có kinh nghiệm 10 năm nuôi trang trại lợn. Chỉ tay về phía bể biogas, ông Tân cho biết, gia đình ông đào 2 bể biogas chưa 50m3/bể kể từ khi bắt đầu nuôi lợn.
“Lượng phân nhiều, gas sử dụng không hết, gia đình tôi đã thiết kế và làm đường ống dẫn ra ngoài và cho 15 gia đình trong xóm sử dụng gas miễn phí”, ông Tân nói
Ông Tân cũng cho biết thêm, trước đây người dân tự túc chăn nuôi nhỏ lẻ và tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Vì phụ thuộc vào thương lái nên lợn khi được giá cao, khi bán giá thấp và rất bấp bênh.
Thành lập HTX để chia sẻ khó khăn, thuận lợi
Nhận thấy dù người dân chủ động nguồn lợn nuôi và chăn nuôi theo tiêu chuẩn sạch, an toàn nhưng việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến thu mua nên dù đầu tư lớn nhưng lợi nhuận lại không cao.
Do vậy, năm 2014, ông Tân cùng 37 hộ dân trên địa bàn 6 xã gồm: xã Tân thành, Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi, Kim Đông và Văn Hải cùng nuôi lợn, cung cấp thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh đã tập hợp lại, xin phép chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình để thành lập HTX chăn nuôi Tân Tiến và được tạo điều kiện hỗ trợ thành lập và chính thức đi vào hoạt động tháng 8/2014.
![]() |
Chuồng trại sạch sẽ là một trong những biện pháp bảo vệ đàn lợn hạn chế bị dịch bệnh. |
Ngay từ khi thành lập, HTX đã có chính sách thu hút 4 kỹ sư chăn nuôi gồm: anh Nguyễn Văn Hùng, anh Trần Văn Phương ở xã Kim Mỹ và anh Trần Văn Thực, Trần Văn Ngọ ở xã Cồn Thoi làm thành viên vừa chăn nuôi vừa hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho lợn để giúp cho các thành viên khi cần thiết.
Ngoài ra còn có 6 thành viên khác chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi và thuốc phòng, điều trị bệnh cho lợn tại địa phương. Quan trọng hơn, HTX còn đứng ra kết nối tiêu thụ, giúp cho thành viên yên tâm chăm sóc đàn lợn.
Với 37 thành viên, trung bình mỗi tháng HTX Tân Tiến xuất bán 50 đến 70 tấn lợn thịt, với giá trên 70 nghìn/kg lợn hơi hiện nay, doanh thu mỗi tháng của các thành viên HTX cũng đạt từ 3,5-5 tỷ đồng.
“Trong số 37 thành viên, có nhiều gia đình nuôi với số lượng lớn như gia đình ông Trịnh Duy Tân hiện có 120 con lợn mẹ, 450 con lợn thịt các loại trọng lượng, gia đình ông Nguyễn Văn Yên, xóm Hành Trực, xã Văn Hải với 140 con lợn mẹ, hơn 1.000 con lợn thịt. Hay như gia đình ông Phan Văn Trưởng, xóm 2, xã Kim Mỹ có 80 con lợn mẹ và 400 con lợn thịt, gia đình ông Lã Văn Điệp, xóm 4 xã Kim Hải có 40 con lợn mẹ và 200 con lợn thịt…”, ông Trịnh Duy Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chăn nuôi Tân Tiến chia sẻ.
Ông Phan Văn Trưởng, xóm 2, xã Kim Mỹ, thành viên HTX Tân Tiến cho biết, năm 2020, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhưng do giá lợn cao và ổn định nên gia đình anh thu lãi gần 5 tỷ đồng, cơ bản bù đắp được những thiệt hại từ năm 2016-2017 do giá lợn xuống thấp kỷ lục và dịch tả Châu Phi năm 2019.
Được biết, hiện gia đình anh Trưởng đang nuôi 80 con lợn mẹ và 400 con lợn thịt trọng lượng khác nhau. Với giá bán hơn 70 nghìn/kg lợn hơi như hiện nay, từ nay đến hết tháng 6, dự kiến gia đình anh Trưởng cũng thu khoảng 4 tỷ đồng.
![]() |
Ông Trịnh Duy Tân đang kiểm tra đàn lợn mẹ chuẩn bị sinh sản. |
Ông Nguyễn Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, đồng thời là kế toán HTX chăn nuôi Tân Tiến cho biết, từ khi thành lập HTX, các hộ gia đình thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và cách phòng trừ để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn lợn, đồng thời kết nối với các thương nhân thu mua đảm bảo giá cả thị trường, giúp thành viên HTX yên tâm chăn nuôi.
“Các thành viên chăn nuôi cũng ý thức trong việc làm hầm biogas để xử lý chất thải và sử dụng nguồn nguyên liệu thay chất đốt nên phần nào giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Nhờ vậy, nhiều chuồng, trại ngay trong khu dân cư nhưng không để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, ông Thuyết nói.
Chiều xuống, bước chân của những người lao động trong xã Kim Mỹ nói chung, HTX Tân Tiến nói riêng vẫn rộn ràng. Xa xa, tiếng chuông thánh đường từ các nhà thờ ở giáo xứ Tân Khẩn, giáo phận Phát Diệm đã ngân lên vang vọng, ánh điện trong những ngôi nhà khang trang đã bật lên sáng choang. Điều này đã phần nào khẳng định, việc phát triển kinh tế chăn nuôi thông qua HTX là hướng đi đúng đắn, đã và đang giúp cho đời sống của người dân xứ đạo ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phạm Duy
Bài 3: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đa canh