Thay đổi tư duy sản xuất
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết, do sinh sống trong làng nghề chè, trực tiếp trồng, chế biến, kinh doanh chè nên hầu hết người dân đều nắm bắt được kỹ thuật trồng, chế biến chè. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm luôn là vấn đề khó khăn đối với từng hộ gia đình, bởi hầu hết phải phụ thuộc vào thương lái.
Nhiều hộ gia đình nhận thấy việc trồng, chế biến, kinh doanh chè của từng hộ gia đình đơn lẻ ở làng nghề chè Đá Hen không mang lại hiệu quả cao, thiếu tính liên kết bền vững. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, tháng 8/2017, 12 hộ gia đình trong xã đã cùng nhau tham gia thành lập HTX chè Đá Hen.
![]() |
Audio Player
Anh Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX chè Đá Hen cho biết, HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ để trồng, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, tăng giá trị và sản xuất bền vững. |
Khi mới thành lập, dù đã có 12 ha chè và 8 ha liên kết nhưng những khó khăn thực sự mới bắt đầu, bởi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ còn hạn chế về sản xuất chè sạch cũng như phương thức hoạt động của HTX, thiếu vốn, hạn chế về khoa học kỹ thuật, chưa có địa điểm là nhà xưởng chế biến, không hiểu biết về Luật HTX năm 2012 và điều quan trọng nhất là chưa tìm được đầu mối tiêu thụ sản phẩm…
Trước những khó khăn này, Ban gián đốc HTX nhận thấy cần phải đối mặt và tìm các giải pháp tháo gỡ. Trước mắt là phải hướng dẫn các thành viên sản xuất chè sạch, chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời lấy địa điểm của một số gia đình làm trụ sở và điểm tập kết, chế biến chè. Mặt khác, Ban giám đốc đã liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các ngân hàng thương mại để tìm hướng tháo gỡ về cơ chế, chính sách, hỗ trợ vay vốn ưu đãi mua sắm trang thiết bị, máy móc và đầu tư chăm sóc chè. Cùng với đó là việc tích cực lăn lộn tìm kiếm đầu mối tiêu thụ chè để mở ra cơ hội cho thành viên HTX.
Sự năng động của các thành viên và Ban giám đốc đã từng bước tháo gỡ những khó khăn mà HTX gặp phải. Nhờ vậy, chỉ sau hơn một năm, sản phẩm của HTX đã tìm được thị trường tiêu thụ bằng việc thông qua các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Chỉ tính riêng năm 2020 vừa qua, HTX đã chế biến và tiêu thụ toàn bộ sản lượng chè làm ra, trong đó xuất khẩu đạt hơn 100 tấn, nội tiêu hơn 5 tấn với doanh thu gần 5 tỷ đồng, tương đương 1/5 sản phẩm của làng nghề chè Đá Hen.
Anh Ma Trung Dũng, dân tộc Mông, thành viên HTX cho biết, từ khi tham gia vào HTX, người sản xuất chè đã có sự thay đổi trong tư duy trồng và chăm sóc chè.
“Muốn HTX thu mua chè với giá ổn định, mỗi thành viên và thành viên liên kết của HTX phải áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, đảm bảo cây trồng phát triển bền vững, khỏe mạnh và mang lại sản phẩm chất lượng nhất”, anh Dũng nói.
Tiềm năng từ sản phẩm OCOP
Giám đốc Nguyễn Văn Thanh cho biết, HTX tích cực hỗ trợ các thành viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP do Hội nông dân các cấp tổ chức và tham quan các mô hình trồng chè lớn ở Thái Nguyên. Bà con ngày càng thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhằm củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường.
“Nhận thức của các thành viên trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng lên, từ đó chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm của mình trên thị trường. Nhờ vậy, giá bán đã cao hơn trước, đầu ra và thu nhập đã ổn định hơn”, anh Thanh nói.
![]() |
Sản xuất chè an toàn, chất lượng là mục tiêu và phương pháp sản xuất của HTX chè Đá Hen. |
Để sản phẩm chè Đà Hen chuẩn hóa về bao bì, nhãn mác, tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường, tạo việc làm cho lao động là đồng bào dân tộc, năm 2021, HTX được Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ hỗ trợ bao bì nhãn mác, mẫu mã sản phẩm. Trung tâm khuyến công hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, Sở KH&CN hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể, chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, 4 sản phẩm chè của HTX được UBND tỉnh Phú Thọ phân hạng và công nhận OCOP 3 sao: Chè Đá Hen hảo hạng, chè Đá Hen đặc sản, chè Đá Hen xuất khẩu và chè Đá Hen.
Tuy nhiên, hiện HTX vẫn gặp khó khăn về vốn để đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về công tác quản lý cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật để đáp ứng được việc triển khai việc bán hàng trực tiếp và thông qua công nghệ 4.0…
“Để HTX phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, trong đó có lao động trực tiếp trong HTX và các gia đình liên kết, HTX đang tích cực triển khai sản xuất chè túi lọc và chè nước đóng chai. Do vậy, chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của Liên minh HTX các cấp, của chính quyền và các cấp ngành địa phương để HTX phát triển nhanh và bền vững”, anh Thanh mong muốn.
Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, việc sản phẩm chè Đá Hen được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu đã khẳng định thương hiệu của sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa mỗi hộ, mỗi HTX sản xuất, kinh doanh chè phải chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm để tiếp tục giữ vững thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.
Hiện tại, sự phát triển cây chè vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Phú Thọ. Nguyên nhân là công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè được thành lập mới nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ đạt 60 - 70% công suất. Nhận thức của một số người dân về sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa cao; công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn bất cập, chưa hiệu quả trong tiếp cận thị trường...
“Về phía Sở, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, hỗ trợ các các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ triển lãm; tích cực phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, nhất là các sản phẩm có lợi thế như chè đen, chè ướp hương… với mục tiêu sản phẩm chiếm 40% thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.
Phạm Duy
Bài cuối: Hỗ trợ để các HTX vươn lên