Với mục tiêu phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hàng hóa, an toàn, hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường và du lịch, huyện Bá Thước đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế của địa phương.
Giàu lên nhờ cây trồng thế mạnh
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, cho biết nhằm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tập trung phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức canh tác theo chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Theo Kế hoạch Phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương để phục vụ du lịch và thị trường giai đoạn 2021 – 2025 (ban hành đầu năm 2021), huyện Bá Thước chủ trương đẩy mạnh phát triển 400 ha cây ăn quả thế mạnh như cam, bưởi, quýt hoi…
Quýt hoi đang là nông sản thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân Bá Thước. |
Nổi bật trong số các loại cây ăn quả đặc trưng ở Bá Thước là cây quýt hoi, với tổng diện tích hiện đạt xấp xỉ 50 ha, đang được ngành nông nghiệp huyện xây dựng thành sản phẩm OCOP, trồng tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Lũng Niêm... Cây quýt hoi Bá Thước đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Xã Thành Sơn là xã vùng cao, cách xa trung tâm huyện hàng chục km, với 100% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Trong điều kiện khí hậu đầy khắc nghiệt tại địa phương, cây quýt hoi lại đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời, trở thành cây kinh tế chủ lực.
Anh Hà Văn Phơi, dân tộc Mường, bản PaBan, xã Thành Sơn, cho biết cây quýt hoi (còn gọi là quýt rừng) là loài cây bản địa bám rễ tại vùng cao huyện Bá Thước hàng trăm năm nay. Quýt hoi có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng. Quả quýt non hoặc chín có thể dùng làm thuốc nam, lá cây có thể làm gia vị.
Những năm gần đây, nhờ chăm sóc tốt, 1 ha quýt có thể cho sản lượng 6 – 8 tấn/năm, thu nhập 90 – 100 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150 – 180 triệu đồng/ha/năm. Giá trị cây quýt hoi liên tục được nâng lên đang mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.
Ông Hà Sơn Bá, dân tộc Thái, bản Đông Điểng, xã Thành Sơn, chia sẻ gia đình ông có 5 người, trước đây là hộ nghèo. Năm 2016, ông được hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự đồng hành về kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp xã, để cải tạo toàn bộ khu vườn tạp rộng hơn 2 ha sang trồng cây quýt hoi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ sản xuất khoa học, chỉ sau 2 năm, vườn quýt hoi của gia đình ông Bá đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân 6 – 10 tấn/ha. Kể từ năm 2019 đến nay, nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán trung bình ở mức 15 – 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm ông Bá thu về trên dưới 180 triệu đồng. Hiệu quả từ vườn quýt giúp gia đình ông nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Đánh thức các sản phẩm có lợi thế
Bên cạnh cây quýt hoi, huyện Bá Thước tiếp tục mở rộng quy mô trồng rau, củ, quả đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với diện tích 100 ha, trong đó tập trung trồng khoảng 90 ha tại các xã Cổ Lũng, Điền Lư, Điền Trung, Thành Lâm, Thành Sơn và thị trấn Cành Nàng được chứng nhận an toàn thực phẩm…
Trong đó, huyện chủ trương hỗ trợ xây dựng mới 20.000 m2 nhà màng, nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP để trồng rau, hoa, dưa lưới. Các sản phẩm được định hướng sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, trong đó có ít nhất 50% được cung cấp cho các khu nghỉ dưỡng du lịch, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn.
Việc phát triển các cây trồng thế mạnh là giải pháp xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Bá Thước. |
Ngoài ra, giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được huyện Bá Thước xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế của địa phương. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ lũng và Lũng Cao với diện tích khoảng 100 ha vừa tạo cảnh quan du lịch, vừa có sản phẩm đặc trưng phục vụ khách tham quan.
Đối với cây mía tím, huyện tiếp tục tập trung thâm canh, ổn định diện tích đến năm 2025 là 500 ha. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng hệ thống tưới tự động, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thâm canh, tiến tới xây dựng các HTX, tổ hợp tác sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây mía tím cung cấp cho thị trường.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước Nguyễn Văn Tâm khẳng định, để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế phục vụ du lịch và thị trường giai đoạn 2021-2025.
Huyện cũng tăng cường quy hoạch, bố trí đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi và hệ thống điện… trong vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế.
Ngoài ra, huyện chú trọng công tác kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế của huyện như mía tím, quýt hoi, vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn cỏ, lợn cỏ lai lợn lòi,… đảm bảo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, huyện sẽ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhất là đối với sản phẩm rau củ và thịt gia cầm (gà, vịt) gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Nhật Minh
Bài 2: Điểm tựa sản xuất từ các HTX