Tận dụng mặt nước hồ thủy điện
Cách đây gần 12 năm, tiếng máy rộn rã của công trường tại xã Khâu Vai đã đánh dấu sự hình thành của Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 do Tập đoàn Bitexco đầu tư. Sau hơn 3 xây dựng, năm 2012, nhà máy chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Cũng từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mèo Vạc không ngừng được thay đổi nâng lên; an ninh, quốc phòng khu vực biên giới ngày càng được củng cố, nguồn thu ngân sách huyện cũng tăng đáng kể.
Đặc biệt, sự ra đời của nhà máy thủy điện đã hình thành một vùng lòng hồ rộng hàng chục ha, không chỉ thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, bình yên đầy sức lôi cuốn phục vụ phát triển ngành du lịch của địa phương. Tận dụng lợi thế mặt nước trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3, HTX dịch vụ và nông, lâm nghiệp Châu Kiệt, xã Khâu Vai đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá lồng.
![]() |
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 3 đã giúp nhiều thành viên HTX Châu Kiệt vươn lên thoát nghèo. |
Ông Lương Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX Châu Kiệt cho biết, mặc dù mới được thành lập chưa lâu, song nhận thấy thế mạnh của lòng hồ thủy điện, HTX đã mạnh dạn đầu tư nuôi 6 lồng cá các loại, như: Dầm xanh, Anh vũ, Lăng, Trắm, Chép. Đây là các loại cá có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2020, sản lượng cá của HTX đạt trên 10 tấn, đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn nuôi từ 300 - 800 con ngan, vịt/lứa, ước thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 - 7 lao động địa phương và hơn 20 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
“Bước sang năm 2021, HTX tiếp tục vận động thành viên góp vốn phát triển lên 16 lồng cá và nuôi từ 1.000 con ngan, vịt/lứa, góp phần tạo nguồn thu nhập nhanh và bền vững cho các thành viên”, ông Hùng nói.
Song song với phát triển chăn nuôi trên lòng hồ thủy điện, HTX Châu Kiệt còn phát huy thế mạnh về du lịch. Để phục vụ nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách, HTX đã đầu tư một thuyền với sức chứa từ 50 - 60 du khách. Từ đầu năm đến nay, HTX đã đón trên 700 lượt khách đến khám phá lòng hồ và sử dụng dịch vụ ăn uống trên dòng sông Nho Quế trong xanh, thơ mộng uốn mình quanh những vạt đồi, vách đá với chiều dài lòng hồ hơn 14km. Đây sẽ là những trải nghiệm hết sức thú vị đối với mỗi du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng nơi đây.
Chị Bùi Thị Thu, du khách đến từ huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ, vẻ đẹp thơ mộng và kỳ vĩ của hồ Thủy điện Nho Quế 3 thực sự khiến du khách bị choáng ngợp.
“Tôi ấn tượng mạnh với hẻm vực được ví như hẻm vực Tu Sản thứ 2 của Mèo Vạc, ước chừng độ cao phải lên tới hàng trăm mét. Thêm nữa, được nghỉ ngơi dưới chân vách đá dựng đứng, cảm giác mát lạnh giữa ngày hè oi nóng và được thưởng thức những món ăn độc đáo ngay trên thuyền đã đem đến cho chúng tôi sự thư thái và bình yên. Ngoài ra, được trải nghiệm chăn vịt, câu cá, nướng cá hay cùng nấu ăn cũng là những kỷ niệm mà chúng tôi không thể quên…”, chị Thu nói.
Liên kết giúp HTX phát triển vững mạnh
Theo Phó Giám đốc Lương Văn Hùng, cùng với việc duy trì, phát triển nuôi trồng thủy sản dựa trên lợi thế diện tích mặt hồ Thủy điện Nho Quế 3, hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư, phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Trong đó, coi trọng các chỉ tiêu về chất lượng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng.
“Từ đó, không chỉ giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người lao động trên địa bàn mà còn góp phần đưa Khâu Vai trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách khi đặt chân đến Cao nguyên đá”, ông Hùng khẳng định.
![]() |
Du lịch ở Khâu Vai luôn thu hút du khách bởi những lễ hội với nhiều nét văn hoát đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. |
Bà Lò Thị Mỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cho biết, trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện có 45 HTX với 414 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.100 lao động, hầu hết là đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Những năm qua, việc phát triển loại hình kinh tế HTX luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ cũng như hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.
“Nhờ vậy mà mô hình HTX không chỉ phát triển về số lượng mà còn đa dạng về hình thức và hoạt động hiệu quả, đồng thời tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Một số HTX tiêu biểu, như: HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Dũng (tổ 2, thị trấn Mèo Vạc), doanh thu hằng năm đạt trên 7,6 tỷ đồng; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng (thôn Há Chế, xã Tả Lủng), doanh thu ước đạt 600 triệu đồng/năm; HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đại Dương (thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi), doanh thu hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng…”, bà Mỉ thông tin.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, trước đây bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Mèo Vạc chỉ quen với phương thức sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến việc liên doanh liên kết trong sản xuất, để có thể sản xuất ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, công tác tuyên truyền về Luật HTX và mô hình HTX kiểu mới được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.
Các sáng lập viên là những người con của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Pà Thẻn của huyện Mèo Vạc đã được tham gia các lớp tuyên truyền về Luật HTX, hiểu rõ vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ đó có chung ý tưởng và đã vận dụng những tiềm năng thế mạnh của địa phương thành lập HTX để khai thác theo hướng bền vững.
Phạm Duy