Chương trình “Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp Tập đoàn Cheil Jedang (CJ) tài trợ được triển khai tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn từ năm 2014. Đến nay, đang cho hiệu quả vượt trội cả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Ấn tượng HTX Tầm Ngân
Mô hình trồng ớt Hàn Quốc là một trong những tiểu dự án được đầu tư mạnh nhất của Chương trình, hiện đã và đang mở ra cơ hội thoát nghèo hiệu quả, bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã miền núi Lâm Sơn.
HTX Tầm Ngân đang là điển hình sản xuất, tạo việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số. |
Qua 6 mùa tham gia trồng ớt Hàn Quốc, được sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia đến từ Tập đoàn CJ và cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án, 3 sào ớt của anh Soh Ao Ha Binh, dân tộc Chăm, thôn Tầm Ngân 2, liên tục cho năng suất và giá trị cao.
“Ớt tôi thu 1 sào trung bình đạt khoảng trên dưới 2 tấn, bán cho HTX giá 11.000 đồng/kg, nếu tính lãi thì so với trồng cây bắp cao hơn 3 đến 4 triệu đồng/sào. Trồng bắp giá cả không ổn định năm nào cũng lo lắng, nhờ chuyển sang trồng cây ớt Hàn Quốc gia đình đã có thu nhập ổn định hơn”, anh Ha Binh phấn khởi nói.
Giống như anh Soh Ao Ha Binh, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Lâm Sơn đang nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực từ HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân, đơn vị dẫn dắt sản xuất tại địa phương.
Đến nay, HTX Tầm Ngân đã có trên 50 thành viên tham gia trồng ớt Hàn Quốc, diện tích lên đến 12 ha. Bên cạnh làm việc với đơn vị tài trợ để cung cấp giống, phân bón, HTX còn liên hệ chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt theo hướng an toàn sinh thái cho nông dân.
Đặc biệt, thông qua HTX, Tập đoàn CJ đã ký cam kết bao tiêu 100% sản phẩm cho nông dân, với giá 11 nghìn đồng/kg. Đây được xem là cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp địa phương, bởi hầu hết các loại cây trồng của người dân lâu nay đều vướng phải vấn đề nan giải mang tên… “đầu ra”.
Ông Dà Droách Ha Khiết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tầm Ngân, cho biết trước đây, phần lớn diện tích vườn rẫy của người dân địa phương trồng bắp cho năng suất thấp, giá cả thị trường lại bấp bênh nên đời sống chưa ổn định.
Từ ngày triển khai dự án trồng ớt Hàn Quốc đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Sắp tới chúng tôi không chỉ vận động thêm bà con trong vùng dự án mà liên hệ với nông dân các huyện khác để mở rộng diện tích, nhằm giúp thêm nhiều hộ có hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả hơn”, Giám đốc HTX Dà Droách Ha Khiết khẳng định.
Được biết, với giá bao tiêu 11.000 đồng/kg ớt tươi thu tại rẫy như hiện nay, mỗi sào ớt người dân thu lãi từ 10 đến 12 triệu đồng/vụ (kéo dài khoảng 3 tháng).
Thêm vào đó, từ việc được hướng dẫn kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc” của đội ngũ chuyên gia, cán bộ đến từ CJ, cùng với sự đồng hành của HTX, qua mỗi vụ thu hoạch, năng suất trồng ớt của người dân lại tăng cao rõ rệt.
Tư duy sản xuất của các hộ trồng ớt trên địa bàn xã Lâm Sơn cũng đang có những thay đổi và nâng cao rõ rệt. Kể từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ đã tự chủ động áp dụng cách thức sản xuất mới, ứng dụng thành thạo máy móc, thiết bị hiện đại, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.
Đổi thay cách nghĩ, cách làm
Có thể thấy, trong những năm qua, với sự đồng hành của địa phương, các đơn vị HTX, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế, cùng sự chủ động của người nông dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực.
Sự đồng hành của địa phương, HTX, doanh nghiệp giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. |
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành nông nghiệp huyện đạt 6-8%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/năm. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Đặc biệt, một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trên địa bàn huyện được duy trì và mở rộng, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đơn cử, xã Hòa Sơn, địa phương có trên 1/3 dân cư là đồng bào Raglai, Chăm, Nùng… đang tạo nên những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Kể từ năm 2017 đến nay, nhờ áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong sản xuất, cùng sự quan tâm hỗ trợ của huyện thông qua việc liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp, bộ mặt kinh tế của xã đã có những thay đổi đáng kể.
Cụ thể, đối với sản xuất cây mì (cây sắn), xã đã thành lập 2 tổ thí điểm mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các hộ thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Sơn, cùng một số hộ sản xuất tại địa phương, trên tổng diện tích hơn 240 ha.
Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, xã đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây mì, mía, cỏ đạt hiệu quả, bước đầu đã có 76 nông hộ tham gia trên diện tích 86 ha.
Nói về hiệu quả của mô hình này, ông Huỳnh Văn Toàn, dân tộc Nùng, xã Hòa Sơn, phấn khởi chia sẻ: “Chi phí khi lắp hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha dao động từ 15-20 triệu đồng, nhưng sử dụng được trên 4 năm và có thể di chuyển tới vị trí cây trồng khác”.
Nhờ tưới tiết kiệm, mỗi ha người dân giảm được khoảng 24 giờ/lần tưới, đồng thời lượng nước tiết kiệm trên 300 m3/lần so với tưới truyền thống. Qua đó, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo năng suất bình quân trên cây mía từ 60-70 tấn/ha, còn cây mì có thể từ 20 tấn/ha lên đến 35-40 tấn/ha.
Ông Dương Văn Minh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Vì vậy, địa phương đã và đang có những giải pháp thích hợp để nhân rộng các mô hình theo điều kiện, thế mạnh sản xuất của từng vùng.
Trong thời gian tới, trên cơ sở những mô hình sản xuất hiệu quả, huyện sẽ có sự hỗ trợ về mọi mặt để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng thời, huyện tích cực xây dựng mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nông dân, HTX và doanh nghiệp, nhà khoa học). Trong đó, đặc biệt thu hút HTX, doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.
Hưng Nguyên
Bài cuối: Tạo việc làm, phát triển bền vững