Bên cạnh chú trọng đầu tư vào nông nghiệp truyền thống, với hiệu quả của các HTX, huyện Phú Hòa đang tập trung đầu tư phát triển một số thế mạnh khác như nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, phát triển điện mặt trời để tận dụng tiềm năng, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
HTX xây dựng chuỗi giá trị
Hòa chung dòng chảy thời đại, nhiều nông dân trên vùng “đất phú, trời yên” Phú Hòa đang đổi mới cách nghĩ, cách làm để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh, tạo nên những dấu ấn đậm nét trên thị trường trong và ngoài nước.
Liên kết trong HTX giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Khu sản xuất nông nghiệp Đồng Din, thuộc thị trấn Phú Hòa, đang là một trong những “thủ phủ” sản xuất khóm (dứa) lớn nhất của huyện, với tổng diện tích hàng trăm ha. Sau khi "bén rễ" ở vùng đất này, cây khóm cho thấy sự thích nghi tốt và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Tòng, dân tộc Tày, người trồng khóm ở Đồng Din cho biết, khóm là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, mỗi ha trồng khoảng 40.000 cây (tức 4 cây/m2). Năm đầu khóm tơ ra 1 trái/cây, nhưng từ năm sau trở đi, cây đẻ ra nhiều nhánh, nếu chăm sóc tốt thì mỗi cây ra từ 3 - 4 trái.
Khóm sau khi thu hoạch được chủ vườn phân loại, sau đó đóng bao và bán cho thương lái. Tuy giá cả bán ra nhiều khi bấp bênh nhưng lợi nhuận mang lại so với cây trồng khác như lúa lãi gấp 3 - 6 lần. Trung bình mỗi ha trồng khóm, người nông dân thu về khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Với giá trị cao, chất lượng vượt trội, khóm Đồng Din đang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP nằm trong chiến lược phát triển, nhân rộng của huyện Phú Hòa trong thời gian tới.
Không chỉ phát triển riêng lẻ, để bắt nhịp hội nhập, các hộ trồng khóm ở Đồng Din còn thành lập HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Ðồng Din, hướng đến phát triển sản xuất hiện đại, chế biến sâu, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường quốc tế.
Giám đốc HTX Nguyễn Hoàng Chương cho biết, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây khóm, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với hầu hết các hộ trồng khóm, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Ðồng Din (gồm nhiều thôn tại thị trấn Phú Hòa).
Khóm sau thu hoạch đưa vào dây chuyền chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi như bánh khóm, khóm sấy, nước ép khóm... Các sản phẩm này đều được ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, đã được cấp chứng nhận ISO 9001-2015 và HACCP.
Ðặc biệt, toàn bộ sản phẩm đều không sử dụng phụ gia bảo quản, đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp thị hiếu người dùng, nên đầu ra rộng mở. Hiện nay, sản phẩm khóm sấy và bánh khóm đã được đưa vào hệ thống siêu thị BigC và nhiều cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Ðồng thời, HTX cũng đã được cấp quota xuất khẩu sang Nga với các mặt hàng khóm sấy, bánh khóm và nhiều rau quả khác. Bên cạnh đó, HTX đang xây dựng chuỗi bán hàng tại TP Hồ Chí Minh và TP Tuy Hòa để đưa các sản phẩm từ khóm và những sản phẩm OCOP của tỉnh đến với du khách.
“Một khi nông sản được chế biến sâu, có thương hiệu thì giá trị gia tăng gấp hàng chục lần so với tiêu thụ truyền thống. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu, hướng tới các thị trường lớn, uy tín, giàu giá trị”, Giám đốc HTX Nguyễn Hoàng Chương nhấn mạnh.
Thêm động lực cho HTX bứt tốc
Nếu HTX Đồng Din gây ấn tượng với cây khóm, thì HTX nông nghiệp Tây Hòa An lại khẳng định vai trò dẫn dắt sản xuất với cây lúa truyền thống của người dân xã Hòa An. Đến nay, thành công lớn của HTX là chuyển giao kỹ thuật sạ hàng sạ thưa cho thành viên.
HTX sẽ là động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Phú Hòa thời gian tới. |
Đến nay, 100% diện tích sản xuất lúa trong xã đều áp dụng kỹ thuật này, trong khi trước đó, HTX phải mất nhiều năm để thuyết phục thành viên thay đổi thói quen sạ dày kém hiệu quả.
Mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, HTX quy hoạch 24 ha thử nghiệm, kết quả năng suất đạt bình quân 8 - 9 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,3 - 2 tấn/ha, lượng giống giảm được 2 kg/sào nên tiết kiệm đáng kể chi phí. Đối với diện tích lúa kém hiệu quả, HTX khuyến khích thành viên chuyển đổi sang trồng rau màu có giá trị kinh tế cao.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Hòa, bên cạnh các “điểm sáng” kể trên, toàn huyện hiện có gần 20 HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, từng được công nhận đơn vị sản xuất điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Có thể kể đến những điển hình như HTX Hòa Thắng 2, HTX Hòa Quang Nam, HTX Hòa Trị 2, Tổ hợp tác Sơn Ngọc… Các đơn vị này đang thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của các hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số.
Đơn cử, với những đóng góp của mình trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam đã được UBND huyện tặng giấy khen.
Giám đốc Phan Văn Thuận cho biết, HTX có 10 dịch vụ. Qua các dịch vụ vệ sinh môi trường, nước sạch nông thôn, HTX giúp hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn xã. HTX cũng đang tạo việc làm cho hơn 10 hộ là người dân tộc Tày, Chăm…
Với dịch vụ quản lý chợ, tín dụng nội bộ, HTX góp phần ổn định sinh hoạt, tạo điều kiện về vốn để bà con mở rộng sản xuất, nâng cao kinh tế hộ. Còn với dịch vụ cung ứng lúa giống, giao thông nội đồng, HTX giúp bà con ổn định sản xuất, xóa bỏ thói quen sử dụng lúa thịt làm giống…
Nhận thức rõ vai trò của khu vực kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Hòa Hội, Hòa An…, những năm qua, huyện và tỉnh đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác điển hình, tạo hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực.
Điển hình như mô hình cánh đồng mẫu lớn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Trị 1, trên diện tích sản xuất 20 ha với 121 hộ tham gia. Hay như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2 với quy mô 5 ha…
Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư về kỹ thuật, nâng cao trình độ nhân lực cho HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, tạo thêm điều kiện cho HTX, tổ hợp tác kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá bán. Đặc biệt là hình thành mối liên kết HTX - doanh nghiệp - nông dân nhằm xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để hướng đến phát triển bền vững.
Mỹ Chí