Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng trồng khóm với diện tích 838 ha, vùng trồng cây ăn quả trên diện tích gần 50 ha tại Tổ hợp tác Sơn Ngọc, vùng nguyên liệu mía hơn 1.000 ha tại xã Hòa Hội, các mô hình trồng lúa giống, lúa chất lượng cao tại các xứ đồng ở Hòa Trị…
Thúc đẩy sản xuất hàng hóa
Nhờ chủ động nắm bắt, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hầu hết các mô hình phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn trên địa bàn huyện đều đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao, từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm cho người dân.
Phú Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái. |
Tổ hợp tác Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc đang là một trong những điển hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Phú Hòa, với tổng diện tích sản xuất gần 50 ha, chuyên canh tác loại cây ăn quả chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay, đơn vị hiện có hơn 50 thành viên, trong đó khoảng 1/4 là người dân tộc thiểu số, phát triển các giống cây ăn quả quả chủ lực, được thị trường ưa chuộng như như mít, mãng cầu, cam, dừa, đu đủ…, mang lại thu nhập bình quân 50 - 200 triệu đồng/hộ/năm.
Theo ông Tánh, khi tham gia Tổ hợp tác, các thành viên hỗ trợ nhau vốn, giống cây trồng, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn; góp tiền làm đường ống dẫn nước từ núi Lỗ Chài về cung cấp cho các vườn cây ăn quả. Đặc biệt, với sự đồng hành của Tổ hợp tác và địa phương, các chủ trang trại đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, cho thu nhập cao.
Điển hình là anh Ngô Quốc Dũng, dân tộc Tày, thành viên Tổ hợp tác Sơn Ngọc. Tuy mới lập trang trại cách đây 3 năm, nhưng hiện nay, trang trại của anh có gần 3 ha với đầy đủ loại cây mãng cầu, đu đủ, dừa, cam, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Tương tự, trang trại của ông Nguyễn Văn Phụng, một thành viên khác của Tổ hợp tác cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình vườn - ao - chuồng.
Không chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Hòa đã chủ động phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng.
Anh Sou A Tú, người dân tộc Chăm, xã Hòa Quang Bắ, chia sẻ, vào năm 2015, anh mua 3 ha đất để cải tạo, xây dựng hệ thống trang trại tổng hợp, sau đó chi hàng trăm triệu đồng để đào ao lấy nước, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động theo mô hình của Israel. Sau đó, anh vào các tỉnh miền Nam để mua giống mãng cầu tốt, trái sai, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở Phú Yên.
Trên diện tích trang trại, anh Tú tiến hành trồng 2.000 cây mãng cầu, 480 cây dừa xiêm, 100 cây cam, cây bưởi, thu về trên 500 triệu đồng/năm. Để tránh sâu bệnh hại cây và tạo sản phẩm sạch, anh đã nghiên cứu chế thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ thiên nhiên như ớt, tỏi, sả… phun cho các loại cây ăn trái.
“Kể từ năm 2018, sau khi ổn định sản xuất, gia đình tôi đầu tư xây dựng một số nhà sàn, nhà lá gần bờ suối trong khu trang trại để thực hiện mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm, hàng tuần thu hút nhiều khách tham quan. Dù vẫn chỉ là những thành công bước đầu, nhưng thời gian tới, đây sẽ là một trong những hướng đi chính của gia đình tôi”, anh Tú nói.
Hướng đến công nghệ cao
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho hay, nhằm hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua, huyện đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi, thực hiện tốt công tác quy hoạch và tăng cường đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Huyện đang chú trọng đổi mới công nghệ, hình thành các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. |
Ngành nông nghiệp huyện cũng tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương phục vụ yêu cầu sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Đặc biệt, để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Phú Hòa xác định việc thay đổi tư duy của người sản xuất, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, là vô cùng quan trọng.
Theo đó, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông ứng dụng khoa học – công nghệ làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân, như mô hình giảm lượng giống gieo sạ kết hợp ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, trồng cây đậu phộng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả, nuôi dê thương phẩm, cải tạo đàn bò thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo…
Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn sinh thái, huyện hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, xử lý phân chuồng bằng men vi sinh, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, biogas..., qua đó giảm được dịch bệnh, mùi hôi và ô nhiễm môi trường.
Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nhiều gia đình đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, ông Nguyễn Thanh ở xã Hòa An, thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp cho biết: “Khởi đầu tôi chỉ nuôi 2 con dê, đến nay có đến 500 con dê và cừu. Hiện, tôi mở rộng thêm 5ha đất trang trại, chủ yếu nuôi dê và nuôi cừu với số lượng lớn, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm”.
Còn theo ông Phạm Xuân Long ở thị trấn Phú Hòa, từ khi chuyển sang nuôi heo trên đệm lót sinh học, mỗi ngày ông không còn mất nhiều thời gian để tắm heo và quét dọn chuồng, giúp tiết kiệm được thời gian và khá nhiều chi phí tiền điện. Vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có mùi hôi, khí độc nên heo nuôi trên đệm lót sinh học hạn chế dịch bệnh, heo lớn nhanh. Trung bình mỗi con cho lãi khoảng 1 triệu đồng sau 3 tháng nuôi.
Rõ ràng, các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn gắn với công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Hòa đang cho thấy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng, giá trị sẵn có, từ đó hình thành các mặt hàng nông sản thế mạnh, mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân, huyện vẫn còn những “bài toán” cần giải.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - HTX - tổ hợp tác - hộ dân. Chú trọng mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những bước đi thiết yếu nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, hướng đến mục tiêu đưa huyện nông thôn mới ngày một phát triển nhanh và bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tường khẳng định.
Bài cuối: HTX khẳng định vai trò dẫn dắt sản xuất
Mỹ Chí