Được thành lập từ năm 2002, Phú Hòa là một huyện “sinh sau, đẻ muộn”, xuất phát điểm với cơ sở vật chất hầu như không có gì. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương, huyện đã nhập cuộc và lớn mạnh không ngừng, ghi nhận nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực, đặc biệt là về công tác giảm nghèo.
Giảm nghèo đi cùng nông thôn mới
Theo Huyện ủy Phú Hòa, trong 9 năm đồng hành với công cuộc xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhất là đổi mới về công tác tuyên truyền, vận động đến tận cơ sở, huyện Phú Hòa đã tạo động lực, giúp người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đời sống của người dân huyện Phú Hòa ngày càng được cải thiện nhờ các chính sách giảm nghèo bền vững. |
Buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội là địa bàn đặc thù của huyện, với 100% đồng bào dân tộc thiểu số là người Chăm. Hiện, buôn có 139 hộ với 454 nhân khẩu, địa bàn cư trú tập trung ở 2 khu vực làng mới và làng cũ. Hơn 10 năm nay, buôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng phát triển.
Già làng Y Cái, một trong những người gắn bó với buôn Hầm Hố lâu nhất chia sẻ, khi mới thành lập, người dân trong buôn đối mặt với vô vàn khó khăn. Khi đó, người dân trong buôn sống tập trung sát chân núi hòn Hầm, cách nơi ở hiện nay gần 10km.
Sau này, do nhu cầu phát triển kinh tế, người dân buôn Hố Hầm tách ra thành 2 khu vực. Những người lớn tuổi chủ yếu ở lại làng cũ, còn những cặp vợ chồng trẻ, dân nhập cư thì đến một vùng đất khác khai hoang lập nghiệp, thành lập nên làng mới hôm nay.
Trước đây, người dân Hố Hầm sống nhờ vào ruộng rẫy, quanh năm gắn bó với ruộng bắp, nương sắn cùng một số ít lúa ăn qua ngày, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn triền miên.
Từ khi có chủ trương lớn về đẩy mạnh hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng và Nhà nước, người dân trong buôn được học cách xây dựng mô hình kinh tế, được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Những năm qua, để giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, định hướng về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế điển hình để tạo sức lan tỏa. Đến nay, bên cạnh các cây mía, sắn, bắp, người dân Hố Hầm còn trồng keo, bạch đàn, mít, xoài, chuối và các loại hoa màu… cho giá trị kinh tế cao”, Già làng Y Cái phấn khởi nói.
Hiệu quả của chương xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đang trở thành "bà đỡ" cho nhiều hộ dân trên địa bàn buôn Hố Hầm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của buôn chiếm hơn 94%, đến nay giảm còn chưa đầy 10%.
Bên cạnh những điểm sáng như Hố Hầm, điều được thể hiện rõ nét nhất trong việc chăm lo cho người nghèo ở Phú Hòa trong 5 năm qua là công tác xóa nhà tạm.
Từ năm 2015 đến nay, với quyết tâm xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo, ngoài nguồn của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, ban vận động Quỹ Vì người nghèo huyện đã vận động từ các nguồn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa 212 nhà tạm.
Bên cạnh đó, từ Quỹ Vì người nghèo của huyện cùng với nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân, Ban Thường trực Mặt trận huyện Phú Hòa đã tặng hàng ngàn suất quà với tổng trị giá hơn 313 triệu đồng để giúp đỡ các hộ nghèo gặp rủi ro, khó khăn đột xuất, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Tìm “chìa khóa” thành công
Các chương trình an sinh xã hội luôn được Mặt trận các cấp trong huyện Phú Hòa triển khai đồng bộ, thiết thực chia sẻ những khó khăn mất mát đối với các hoàn cảnh thiếu may mắn trong cuộc sống.
Thành công trong công tác giảm nghèo là kết quả sự đồng hành của cả chính quyền và người dân địa phương. |
Đơn cử, năm 2020, Mặt trận huyện Phú Hòa đã vận động toàn dân ủng hộ phòng chống đại dịch COVID-19 với số tiền 380 triệu đồng. Đồng thời, các cấp mặt trận tiếp nhận, phân bổ hàng ngàn suất quà của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài tỉnh trao cho các hộ nghèo gặp khó khăn đột xuất trong cuộc sống.
Theo UBND huyện Phú Hòa, đến nay đã có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, 92,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,62%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm.
Nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực về kinh tế, dân sinh trên địa bàn huyện đã và đang được tập trung nguồn lực đầu tư, gồm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cầu Ông Dinh, các tuyến đường giao thông lớn, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trạm y tế. Song song đó là thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều chính sách, đồng hành thiết thực cùng người dân trong mọi mặt đời sống, kinh tế.
Điển hình, trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức 1.120 buổi tuyên truyền, với gần 73.000 lượt người của 9/9 xã, thị trấn tham dự. Riêng công tác giảm nghèo, bên cạnh vận động từ nhiều nguồn để giúp đỡ, huyện đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.
Huyện cũng phát động phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức sinh động, phong phú, gắn với việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa...
Nhờ vậy, nhiều khu dân cư có những cách làm sáng tạo, linh động như thông qua các buổi họp để tuyên truyền việc xây dựng các mô hình, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện tích cực tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan như treo pano, khẩu hiệu, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác để khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của mỗi người dân để thoát nghèo, không còn tâm lý ỷ lại, trông chờ.
“Thời gian tới, huyện Phú Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với giảm nghèo bền vững, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các đô thị… tạo điểm tựa để Phú Hòa chuyển mình trên vùng “đất phú, trời yên”, ông Nguyễn Bá Khải nhấn mạnh.
Bài 2: Đánh thức tiềm năng nông nghiệp
Mỹ Chí