Sơn Dương hiện có trên 40 HTX nông, lâm nghiệp, với nhiều HTX điển hình như: HTX Vĩnh Tân (xã Tân Trào), HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên), HTX nông lâm nghiệp xã Đại Phú, HTX nấm sạch Bình Yên, HTX chăn nuôi và giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh)…
Nhiều tên tuổi HTX điển hình
HTX chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn, thị trấn Sơn Dương đang là một trong những HTX tiêu biểu, luôn quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh, xã hội, an toàn sức khỏe cho các thành viên, người lao động.
Với sự tham gia của HTX, mô hình trồng sắn dây ở thị trấn Sơn Dương đang cho hiệu quả cao. |
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất chế biến tinh bột của HTX tăng 5 - 7 lần so với trước, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 10 tấn bột sắn khô, tạo việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đạt 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Gia đình anh Hoàng Văn Thủy trước đây là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tổ dân phố Măng Ngọt. Từ năm 2013, sau khi cải tạo 1ha đất đồi để trồng sắn dây, cuộc sống của gia đình khá hơn.
Theo anh Thủy, chi phí đầu tư trồng sắn dây thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình anh có khoảng 100 gốc sắn dây, mỗi năm thu khoảng 8 tạ tinh bột, với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. Ngoài vụ sắn chính, gia đình anh còn trồng rừng và chăn nuôi để gia tăng thu nhập.
Ông Tống Văn Châu, Giám đốc HTX chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn cho biết: “Giá trị kinh tế của cây sắn dây gấp 3 - 4 lần so với cây lúa, cây hoa màu. Hiện, HTX không còn hộ nghèo, ngay cả các thành viên là người dân tộc thiểu số có xuất phát điểm rất thấp nay cũng đang phấn đấu trở thành hộ làm kinh tế giỏi tại địa phương”.
Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, HTX hướng đến mở rộng diện tích sản xuất lên 50ha, nâng sản lượng 40 - 50 tấn bột thành phẩm. Để đạt được điều này, HTX mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ về quỹ đất, vốn để phát triển thị trường, đầu tư máy móc hiện đại, tăng giá trị nông sản cả về chất và lượng.
Tương tự, để tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, HTX Nuôi ong chất lượng cao Tân Trào, xã Tân Trào đã thực hiện quy trình nuôi ong bài bản, tạo ra sản phẩm mật ong chất lượng, từ đó gia tăng thu nhập cho các thành viên.
HTX được thành lập vào tháng 10/2018 với 10 thành viên, đa phần là người dân tộc thiểu số, chuyên chăn nuôi, bán ong giống và các sản phẩm từ ong. Trước đó, xã Tân Trào có trên 100 hộ nuôi ong nhưng các hộ đều nuôi nhỏ lẻ, mô hình chủ yếu phục vụ gia đình và chất lượng mật không được đảm bảo, không được kiểm duyệt chặt chẽ.
Từ khi thành lập HTX, các thành viên và Ban Giám đốc đã thống nhất không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn cho ong sản xuất phấn hoa từ thiên nhiên có công dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da. Trung bình, giá bán 1 kg phấn hoa khoảng 150 nghìn đồng, giá mật ong bán với giá 200 nghìn đồng/lít.
Điểm tựa vững vàng cho nông dân
Tham gia HTX nuôi ong Tân Trào kể từ năm 2018, gia đình ông Triệu Văn Dư, dân tộc dao hiện có 40 đõ ong cho năng suất thu hoạch tới 2.000 lít mật mỗi năm. Ông cho biết trước khi thành lập HTX, mỗi thành viên nuôi 20 đõ ong với tổng số 140 đàn đến nay phát triển lên 200 đàn.
Dù hộ nuôi nhiều đến hơn 40 đõ ong hay nuôi ít trên dưới 10 đõ, tất cả đều hợp tác và hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhất là những hộ có trên 20 năm kinh nghiệm thường xuyên phổ biến và hỗ trợ các hộ mới nuôi nhằm chia sẻ những "bí quyết" trong nghề ong.
Huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX để làm điểm tựa sản xuất cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. |
Tính trung bình, mỗi năm các hộ thu hoạch trung bình khoảng 10 lít mật một đõ ong, sản lượng trung bình của HTX khoảng 10 tấn mật/năm. Sản lượng mật nhiều hay ít phụ thuộc vào nguồn hoa, hoa phục vụ cho đàn ong của các thành viên HTX chủ yếu là các nguồn hoa tổng hợp của các loại hoa rừng trên địa bàn xã.
Anh Lý Ngọc Sơn, dân tộc Dao, thành viên HTX cho biết, tùy vào mùa hoa nở trong năm, gia đình anh theo đó mà tăng đàn ong nuôi. Trong tháng 3 tăng đàn ong lên 100 đàn, vào thời điểm cuối năm, nguồn hoa nở ít, giảm xuống 50 đàn ong nuôi.
Theo ông Triệu Sinh Tiến, Giám đốc HTX chia sẻ, để đạt chất lượng mật ong, đòi hỏi các thành viên trong HTX phải nắm bắt được đặc điểm khí hậu, quy luật trưởng thành của ong. Cùng với đó, vào từng thời gian nhất định, các thành viên HTX sẽ di chuyển đàn theo mùa các loại hoa để ong được thụ phấn.
Cũng hoạt động trên địa bàn thị trấn Sơn Dương, HTX An Quang những năm qua liên tục gặt hái thành công với mô hình chế biến chuối sấy, đồng thời tận dụng phế phụ phẩm phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Hiện, Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất được 6 tấn chuối khô, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên và 7 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm không chỉ đáp ứng thị trường trong tỉnh mà còn có mặt tại TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Malaysia.
Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, đánh giá hoạt động hiệu quả của các HTX không chỉ đem lại lợi ích thiết thực, cải thiện đời sống cho các thành viên, người lao động, mà còn đóng góp chung vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân địa phương, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Để khơi thông rào cản, tạo động lực cho các HTX phát triển, huyện Sơn Dương đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trang bị máy móc cho HTX từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, lập các dự án vay vốn lãi suất thấp cho các HTX.
Huyện cũng đang nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp hình thành liên kết với HTX, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.
Đồng thời, huyện chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy các HTX tham gia vào sản xuất các sản phẩm nông sản, lâm sản theo chuỗi giá trị, theo hướng “mỗi xã một sản phẩm” nông sản đặc trưng, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.
Hưng Nguyên
Bài cuối: Hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững